|
|||
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đồng chủ trì hội nghị. Việt Nam là nước xếp thứ 5 trong tốp 10 quốc gia và khu vực sản xuất thịt lợn nhiều nhất, với sản lượng móc hàm đạt 2,8 triệu tấn/năm (số liệu năm 2018). Những năm gần đây, chăn nuôi lợn tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm. Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã khiến cả nước phải tiêu hủy hơn 5,9 triệu con lợn, với tổng trọng lượng khoảng 341 nghìn tấn, chiếm 9% tổng trọng lượng đàn lợn cả nước, gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi và người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, phát triển chuỗi giá trị lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học đã được các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học quan tâm trong những năm gần đây. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận, trao đổi các nội dung về tình hình chăn nuôi của cả nước; nhiệm vụ khoa học công nghệ về giống, thức ăn và môi trường; canh tác sản xuất nguồn nguyên liệu thức ăn; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; bảo quản, chế biến, hiệu quả kinh tế chuỗi chăn nuôi tuần hoàn. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng, với ngành chăn nuôi không phải là ngoại lệ. Đại diện Bộ NN&PTNT đề nghị ngành Nông nghiệp của cả nước tập trung phát triển chăn nuôi lợn với các giống cao sản theo hướng trang trại, công nghiệp; mở rộng quy mô đàn lợn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh. Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đề nghị Bộ NN&PTNT xin ý kiến các chuyên gia từng lĩnh vực để phối hợp với Bộ KH&CN nhằm đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ xây dựng cấp thiết đề án chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Tin, ảnh: PV
|