Bản in
Khoa học và công nghệ - động lực phát triển đất nước
Đại hội đại biểu lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn mới với những quyết tâm và nỗ lực cao hơn của toàn Đảng bộ. Mục tiêu nhiệm kỳ là phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hòa bình và phát triển bền vững.

Đổi mới và sáng tạo

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, trong nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trước các diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực đổi mới tư duy; năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động; toàn Đảng bộ đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng trên các mặt công tác của ngành, của Bộ cũng như trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ và kiểm tra, giám sát. 

“Chúng ta đã đi tiên phong trong nỗ lực đưa đổi mới sáng tạo (Innovation) trở thành một tư duy mới và ngày càng trở nên phổ quát trong quản lý, vận hành nền kinh tế, xã hội và doanh nghiệp ở Việt Nam. Chính phủ coi đổi mới sáng tạo như một lĩnh vực mới trong quản lý nhà nước, một trụ cột mới trong phát triển kinh tế - xã hội và lần đầu tiên, chỉ số về đổi mới sáng tạo trở thành tiêu chí đo lường hiệu quả của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia hằng năm”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định. 

Nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ tham mưu đã được đưa vào các Nghị quyết quan trọng của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trên cơ sở đó, nhiều sáng kiến pháp luật và chính sách mới như Luật Chuyển giao Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, Đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Đề án Tri thức Việt số hóa được khởi xướng đã mở ra các đường hướng và không gian mới cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và truyền bá tri thức, công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển quốc gia.  

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã chú trọng đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo. Đã từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, thực hiện cơ chế khoán chi và kiểm soát chi thông thoáng; gắn nhiệm vụ nghiên cứu với thực tiễn và thị trường; kiên trì thực hiện trao quyền tự chủ trong khoa học gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích doanh nghiệp thành lập viện nghiên cứu và đầu tư cho khoa học - công nghệ; thí điểm mô hình thu hút, trọng dụng cán bộ khoa học tài năng trong nước và trí thức kiều bào. 

Hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, quản lý tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa được đổi mới, nâng cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển, kết nối với mạng lưới các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới; thị trường công nghệ phát triển năng động hơn với nhiều phương thức mới trong kết nối đầu tư và cung cầu. Lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân dù gặp nhiều khó khăn khách quan nhưng vẫn được quan tâm phát triển trình độ và tiềm lực, có ứng dụng thiết thực trong các ngành kinh tế, xã hội và sẵn sàng cho nhu cầu phát triển năng lượng mới trong tương lai. 

Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam được cải thiện vượt bậc trên bảng xếp hạng thế giới. Số lượng sáng chế và công bố quốc tế của Việt Nam tăng cao hàng năm. Đầu tư của tư nhân và doanh nghiệp chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng đầu tư xã hội cho KH&CN. Doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dần trở thành một lực lượng tăng trưởng mới. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng sâu rộng hơn trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Các nhiệm vụ nghiên cứu sản xuất vắc – xin phòng Covid-19 cũng đang được triển khai đúng hướng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Đây được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam kiểm soát và khống chế dịch bệnh, là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của sự đầu tư kiên trì và chiến lược cho tiềm lực KH&CN nước nhà trong nhiều năm qua.

Theo Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ sẽ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, trong đó phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho khoa học và công nghệ... Trong đó, nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước được đặt lên hàng đầu.

5 giải pháp để tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia

Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế để phát triển nền khoa học Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, các diễn biến phức tạp, bất ổn và khó đoán định của thế giới hiện đại đòi hỏi chúng ta phải nhanh nhạy đổi mới tư duy, luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời với những thay đổi, biến động. Lực lượng KH&CN phải được trang bị đủ năng lực và tiềm lực để đón đầu các xu hướng mới, giải quyết được các vấn đề mới đặt ra trong thực tiễn, góp phần tạo xung lực cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Đại hội đại biểu lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thành công tốt đẹp

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh toàn Đảng bộ cần quan tâm hơn nữa tới 5 nhóm vấn đề tập trung công tác xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đặt tất cả các quốc gia trước thách thức của việc đạt mục tiêu kép, bảo đảm phòng chống dịch bệnh tái bùng phát và nhanh chóng phục hồi kinh tế, đòi hỏi phải luôn đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng và chính quyền trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ chính trị bám sát thực tiễn, thích ứng và đổi mới, nâng cao năng lực hệ thống sáng tạo quốc gia, tạo động lực hỗ trợ cho doanh nghiệp và các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trụ vững và phát triển trên các nền tảng công nghệ mới. 

Thứ hai, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, làm cơ sở để xác định phương hướng, nhiệm vụ chính trị của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Ban chấp hành Đảng bộ Bộ KH&CN trong nhiệm kỳ mới, đồng thời, phổ biến, quán triệt với từng chi bộ, đảng viên và có cơ chế đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá nghiêm túc việc triển khai thực hiện. 

Thứ ba, từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Từ đó, phải nâng tầm lý luận, khả năng nhận biết vấn đề và hoạch định chính sách; luôn nỗ lực đổi mới và sáng tạo cách nghĩ, cách làm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ; các cấp ủy đảng và thủ trưởng đơn vị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải biết vượt lên trên lợi ích cục bộ của đơn vị mình để hành động vì lợi ích toàn cục và mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc chung của ngành, của Bộ KH&CN.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, kiện toàn bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chú trọng hơn nữa các khâu đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ; quan tâm phát triển cán bộ trẻ và lực lượng kế cận để khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ, thực hiện tốt việc chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ. Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc và văn hóa công sở theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, phát huy tối đa trí tuệ, sở trường, thế mạnh của mỗi cá nhân và tập thể đơn vị, đóng góp xây dựng Đảng bộ Bộ KH&CN trong sạch, vững mạnh.

Thứ năm, Ban cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp giữa các bên để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tiếp tục đổi mới tư duy, chủ động, sáng tạo, linh hoạt và thích ứng trong công tác chỉ đạo, điều hành; đoàn kết, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương, kỷ luật; coi trọng chất lượng, hiệu quả, đổi mới và nâng tầm hệ thống sáng tạo quốc gia để đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược, là động lực then chốt trong phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, nâng cao năng lực, sức chiến đấu, Đảng bộ Bộ KH&CN phấn đấu trong nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục huy động mọi nguồn lực thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Bài, ảnh: Đăng Minh