|
|||
Thông tin trên được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020 diễn ra sáng nay 17/8 tại Hà Nội. Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội gồm: ông Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn; ông Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó đoàn; ông Quàng Văn Hương- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; ông Lưu Văn Đức- Ủy viên Thường trực Hội đồng thường trực. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Vụ Dân tộc- Văn phòng Quốc hội; cùng các chuyên gia mời tham gia giám sát. Về phía Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có GS.VS. Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; GS.TS. Phan Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo của các Ban, các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi làm việc Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến đã phát biểu quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện chương trình giám sát. Ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, mục đích giám sát là xem xét, đánh giá việc ban hành, việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật, cách chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011-2020, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó, kiến nghị những giải pháp bổ sung, hoàn thiện để thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật, chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Điều này được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã xây dựng các chương trình, ban hành các nghị quyết, kế hoạch của Viện về đẩy mạnh KH&CN đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 – 2020, GS.TS. Phan Ngọc Minh cho biết, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tham gia 49/94 đề tài thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. 49 đề tài do các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm chủ trì, thuộc các lĩnh vực như: Khoa học tự nhiên; Khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao; Khoa học y, dược; Khoa học nông nghiệp. “Các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp luận cứ khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững Tây Nguyên trên cơ sở các giá trị cơ bản, đặc thù và các chỉ số phát triển bền vững đã được xác lập, cung cấp cơ sở dữ liệu phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Đồng thời, bước đầu chuyển giao công nghệ thích hợp quản lý và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, ứng phó thiên tai”, GS.TS. Phan Ngọc Minh cho hay. Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất: Với đặc điểm điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Tây Nguyên rất đặc thù nên cần có những cơ chế, chính sách đặc thù dựa trên các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Nhiều kết quả của các đề tài là các mô hình trình diễn, vì thế, để những kết quả này là tiền đề cho việc tiếp tục phát triển và ứng dụng kết quả của mô hình vào thực tiễn, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ, Ban, Ngành liên quan. Cần sớm hình thành các cơ sở KH&CN từ việc tích hợp kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3 và Tây Nguyên 2016-2020 phục vụ các định hướng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 và xa hơn.
Thay mặt Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh tặng Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội cuốn Allas tổng hợp vùng Tây Nguyên Một trong những điểm nhấn của Chương trình Tây Nguyên là tính liên ngành trong giải quyết vấn đề KH&CN. Hiệu quả của cách tiếp cận liên ngành trong giai đoạn đầu Chương trình là rõ ràng, vì thế, cần có sự theo dõi, chỉ đạo sát sao để các đề tài có thể liên kết tốt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu. Ông Hà Ngọc Chiến đã đánh giá cao nội dung báo cáo của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã bám sát đề cương yêu cầu, có chất lượng tốt và nhấn mạnh cần tăng cường khảo sát thực tế để xây dựng các chương trình KH&CN trong giai đoạn tiếp theo. Kết thúc buổi làm việc, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội đi thăm Viện Vật lý địa cầu và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Tin, ảnh: Bảo Chi |