|
|||
Đáp ứng hệ thống quản lý chất lượng Doanh nghiệp sản xuất được ví như là một đơn vị kinh tế cơ sở là tế bào của nền kinh tế quốc dân bởi hầu hết các sản phẩm hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu của thị trường đều do các doanh nghiệp sản xuất làm ra. Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết, nắm bắt được Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực, năm 2014, Công ty đã quyết định đầu tư dây chuyền kéo sợi đồng bộ mới 100% của Ấn Độ, của Ý. Đến năm 2018, Công ty đầu tư tiếp một dây chuyền kéo sợi 2 vạn 6 cọc sợi với toàn bộ thiết bị của Nhật. Khi đưa hai dây chuyền này vào sản xuất, Công ty nhận thấy cần phải đáp ứng hệ thống quản lý chất lượng. Cùng với việc đầu tư mới hai dây chuyền thiết bị hiện đại nâng công suất lên 6 vạn cọc sợi Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cũng đưa vào ứng dụng những công cụ quản lý tiên tiến như 5S hay TPM với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hà cho biết thêm, sau khi đưa vào thực hiện 5S và TPM, chất lượng sản phẩm của Công ty duy trì ổn định, gần như là 95-98% là đảm bảo chất lượng loại A. TPM là tên gọi tắt của công cụ quản lý hiệu suất tổng thể. Đây là một sáng kiến của các nhà sản xuất Nhật Bản với mục tiêu tạo ra môi trường sản xuất không có sự cố cơ học và xáo trộn kỹ thuật. TPM chỉ ra rằng công việc bảo dưỡng là rất quan trọng và việc dừng thiết bị để bảo trì có kế hoạch như một mắt xích trong quy trình sản xuất, nhưng phải giảm thiểu, thậm chí không được dừng thiết bị khẩn cấp do sự cố, do tai nạn hay những sai hỏng. Để đạt được điều này, chỉ đơn giản bằng cách để những người công nhân điều khiển thiết bị cùng tham gia vào nhiệm vụ bảo trì thường xuyên mà không phụ thuộc nhiều vào cơ khí hoặc kỹ sư. Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng ngành bảo toàn, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết, dây chuyền có từ máy bông, máy chải đến máy ghép, máy thô, máy con, công đoạn cuối cùng là sản phẩm thành ống. Trong quá trình vận hành, công nhân phải chú ý vệ sinh những thiết bị đang chạy để làm cho sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất. Công ty đã dán những hình ảnh trên máy về tiêu chuẩn đạt hay không đạt. TPM là phương pháp quản lý đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm khai thác tối đa các nguồn lực có sẵn của đơn vị sản xuất bao gồm: công nghệ, thiết bị, con người. Khai thác tổng thể năng suất và chất lượng Khi áp dụng công nghệ TPM, các cán bộ của Công ty TNHH Dệt Phú Thọ đã dùng hình ảnh để chỉ ra những lỗi nhỏ trong quá trình vận hành thiết bị. Những bức ảnh trước, sau, đúng, sai được bố trí giúp người công nhân có thể dễ dàng quan sát và làm theo.
Công cụ quản trị tiên tiến quyết định thành công của doanh nghiệp Ông Hoàng Thế Hanh, Trưởng ngành bảo toàn, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết, trước đây công ty làm về bảo trì máy móc nhưng chưa đạt được hiệu quả nhất định. Khi đưa chương trình TPM vào, Công ty có thể khai thác tổng thể năng suất của thiết bị và chất lượng của sản phẩm. Với một công cụ rất đơn giản như cái chổi, Công ty trang bị cho công nhân để vệ sinh máy giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra và giảm bớt thời gian dừng để bảo tri thiết bị. Với TPM moi người cùng hợp lực và tương tác với nhau để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị một cách hiệu quả nhất chứ không phân định trách nhiệm của người vận hành hay trách nhiệm của người bảo trì sửa chữa. Ông Dương Ngọc Anh, Công nhân vận hành máy sợi con, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết, cũng vẫn là thao tác hàng ngày làm nhưng trình tự trước và sau làm chưa được hệ thống, nên sau khi áp dụng TPM mọi thứ được theo hệ thống nhất định và theo chương trình đặt ra nên thao tác đó mang lại lợi ích rất cao, cắt giảm lỗi và thao tác thừa không cần thiết, thời gian bảo dưỡng, bảo trì dược rút ngắn, thời gian máy chạy được giao sớm hơn, nhanh hơn. Qua thực tế gần hai năm đưa công cụ TPM vào sản xuất, Công ty đã thu được nhiều kết quả trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. TPM là công cụ hướng tới việc tang tối đa hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt quá trình tồn tại của máy móc thiết bị đó. Mục tiêu của TPM gói gọn trong 4 không: không có hao hụt, không có tai nạn, không có phế phẩm và k hông có sự cố dừng máy. Sau gần hai năm ứng dụng công cụ quản lý hiệu suất tổng thể TPM, Công ty đã đạt những kết quả tích cực: Năng suất thiết bị tăng dần, hiện duy trì ở mức 92-93%, năng suất tăng lên 8-10% so với những năm trước, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt với 95-98% sản phẩm đạt chất lượng loại A. Trước xu thế đón những làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, quy mô của các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên, sự thu hút của các doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên. Đồng nghĩa với đó là việc áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng lên. Ứng dụng những công cụ quản trị tiên tiến như là LEAN, 5S hay TPM sẽ giúp nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm, củng cố vị thế cạnh tranh – là yếu tố quyết định thành công của các doanh nghiệp sản xuất. Bài, ảnh: Bảo Chi |