Bản in
Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy vùng Tây Bắc phát triển bền vững
Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương…

Thực hiện thành công các mục tiêu đề ra

Ngày 23/7/2020, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2020.
 
Tham dự Hội nghị có đồng chí: Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương; Chu Ngọc Anh - Ủy viên Ban chấp hànhTrung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc. 
 
Cùng tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện lãnh đạo của các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm KHC&N Việt Nam, cùng dại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc  … và đông đảo các nhà khoa học. 
 
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là khu vực trọng điểm. Đây còn là cội nguồn văn hóa của dân tộc, là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Chương trình Tây Bắc đã góp phần thực hiện một số nội dung Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị. Trong suốt quá trình triển khai, chương trình đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Bộ KH&CN và sự ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt từ các ban, bộ, ngành, Ban Chủ nhiệm chương trình; các địa phương vùng Tây Bắc. Chương trình đã thực hiện thành công các mục tiêu đề ra.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng lưu ý, Thời gian tới, để phát huy hiệu quả chương trình, cần phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế, thu hẹp khoảng cách phát triển; phát huy nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người, dựa vào sức mạnh KH&CN và văn hóa; xem xét tiếp tục tập trung đầu tư kinh phí, tài chính cho chương trình trong giai đoạn mới; huy động đa dạng các nguồn lực cả trong nước và quốc tế, kết hợp với các chương trình phát triển khác; ĐHQG HN cần phát huy thế mạnh của mình, thu hút nhiều hơn sự tham gia của các nhà khoa học uy tín, đề xuất các chủ trương phát triển Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung trong tình hình mới…
 
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết, ông Chu Ngọc Anh – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: Sau 7 năm thực hiện, Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều kết quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao/bàn giao cho các ban, bộ, ngành, địa phương.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao Chương trình khi nhiều kết quả nghiên cứu đã và đang chuyển giao, bàn giao cho các nhà khoa học. Tiêu biểu là các kết quả về: Bộ cơ sở dữ liệu liên ngành, các luận cứ khoa học, các khuyến nghị,… phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Các mô hình, tiêu chí và bản đồ quy hoạch phát triển bền vững vùng; Các mô hình về sinh kế, nuôi trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực,… 
 
“Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của Chương trình cũng chỉ ra rằng, vùng Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khám phá và phát huy tốt để phát triển. Tây Bắc vẫn là vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội, chịu nhiều tác động ngày càng lớn bởi biến đổi khí hậu. 
 
Trong thời gian tới, việc tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ sẽ góp phần tạo nên một nền tảng, một đòn bẩy tri thức - công nghệ - văn hóa - xã hội mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong vùng”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Bình; Đồng chí Chu Ngọc Anh; Đồng chí Hầu A Lềnh và các đại biểu cùng chứng kiến Lễ ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” trong thời gian qua. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, các nhà khoa học đã mang hết tâm huyết, trí tuệ và không quản ngại khó khăn để đi đến địa bàn xa xôi, góp phần đưa khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Một Tây Bắc giàu tiềm năng, lợi thế sẽ cất cánh và phát triển bền vững với sự đồng hành của khoa học và công nghệ.
 
Nhiều kết quả khoa học có giá trị
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm chương trình Tây Bắc cho hay, ĐHQGHN với tư cách là cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu cả nước, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tin tưởng giao phó thực hiện nhiều chương trình, nhiệm vụ KHCN lớn cấp quốc gia. Năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã chuẩn y và Bộ KHCN giao ĐHQGHN làm cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) giai đoạn 2013-2018, Chương trình được tiếp tục được kéo dài đến tháng 6/2020.
 
 “Sau 07 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển nhân lực, kinh tế, xã hội bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc. Chương trình đã điều phối và thu hút 40 tổ chức và tổng số 600 nhà khoa học đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ nhiều tổ chức KH&CN trong cả nước. 
 
Có 200 tổ chức khoa học lớn tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có 12 sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc. Toàn bộ 58 đề tài, dự án thuộc chương trình được tiến hành dựa trên CSDL có độ tin cậy cao, các phương pháp nghiên cứu, triển khai, cách tiếp cận phong phú, đa dạng, hiện đại, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của từng nhiệm vụ”, Giám đốc ĐHQGHN nói. 
 
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ, trong suốt quá trình triển khai, chương trình đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Bộ KH&CN và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi đặc biệt từ Bộ Tài chính, các Ban, Bộ, Ngành, Ban Chỉ đạo Tây Bắc (trước đây), Ban Chủ nhiệm Chương trình, và đặc biệt là các địa phương vùng Tây Bắc, đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. 
 
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nhà khoa học trong vùng vừa với tư cách là cộng tác viên, là người đặt hàng, người đánh giá (định kỳ, nghiệm thu) và vừa là người trực tiếp sử dụng kết quả của Chương trình.
 
Chương trình đã mang lại kết quả khoa học có giá trị, làm cơ sở triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm và mở rộng quy mô nghiên cứu trong giai đoạn sắp tới, góp phần xây dựng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút các nguồn nhân lực khác, phát huy thế mạnh các nguồn lực tự nhiên trong chiến lược phát triển bền vững vùng Tây Bắc. 
 
Bên cạnh các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xác định chiến lược, kế hoạch phát triển và các khâu đột phá của vùng và các địa phương vùng Tây Bắc, Chương trình cũng đã đạt được các kết quả cụ thể, thực tiễn về: Ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa và các mô hình tăng trưởng; Phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển văn hóa - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. 
 
“Kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Bắc là cơ sở quan trọng để phục vụ đầu tư và quản lý, không chỉ đối với quốc gia, các ban, bộ, ngành mà còn với các tỉnh và là nhu cầu bức thiết đối với nước ta trong thời kỳ đổi mới hiện nay”, Giám đốc ĐHQGHN nhấn mạnh. 
 
 Tại hội nghị các đại biểu cũng đề xuất cần tiếp tục thực hiện Chương trình Tây Bắc nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; cần coi trọng phương thức phối hợp, liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng để tiến hành nghiên cứu, kiểm tra đánh giá định kỳ, nghiệm thu và chuyển giao; Xác định rõ cơ chế phối hợp để lồng ghép các đề tài, dự án của Chương trình Tây Bắc với các chương trình kinh tế-xã hội khác, đặc biệt từ nguồn lực hợp tác quốc tế... 
 
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản chuyển giao sản phẩm KH&CN thuộc Chương trình Tây Bắc giữa Ban Chủ nhiệm chương trình và các địa phương vùng Tây Bắc.
 
Bài, ảnh: Ngũ Hiệp