|
|||
Đây là ý kiến chỉ đạo được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 03 năm Chương trình Phối hợp công tác giữa Bộ GDĐT và Bộ KH&CN diễn ra ngày 25/6, tại Hà Nội. Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc hai Bộ. Nhiều kết quả ấn tượng Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Đôn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang quản lý trực tiếp hoạt động KH&CN của 43 trường đại học, học viện và trường cao đẳng sư phạm, trong đó có 03 đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), lực lượng cán bộ KH&CN trong các đơn vị trực thuộc Bộ hiện có hơn 25.000 người, chiếm 33% đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao của cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Giai đoạn 2017 – 2020, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, phục vụ phát triển ngành GDĐT và KH&CN, điển hình như: xây dựng thành công Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW,… Ngoài ra, kết quả thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán giai đoạn 2010 – 2020 đã góp phần nâng cao vị thế Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, đưa thứ hạng của ngành Toán học Việt Nam từ vị trí 50 lên hàng thứ 32. Số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam trong năm 2018 xếp thứ 32 trên thế giới, dẫn đầu các nước ASEAN. Tác động của Chương trình toán đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành toán, đội ngũ quản lý giáo dục các cấp thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu và giảng dạy môn toán, hướng đến phát triển các môn toán ứng dụng gắn với thực tiễn. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đã triển khai chương trình nghiên cứu vật lý cấp bộ cho các tiến sỹ trẻ với 60 đề tài KHCN cấp Bộ về Vật lý, trong đó có 12 đề tài cho các tiến sỹ trẻ dưới 35 tuổi. Theo xếp hạng của SCOPUS, ngành Vật lý Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 60 năm 2014 lên vị trí 52 năm 2017, trong số 14 giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao, ngành vật lý có 05 nhà khoa học đoạt giải, chiếm 38%, cao nhất trong 07 lĩnh vực khoa học tự nhiên. Về kết quả thực hiện Chương trình Hóa, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất, Khoa học biển (QĐ 526/QĐ-TTg), trong hai năm 2019 – 2020, đã thực hiện 38 đề tài cấp bộ, đăng ký công bố 262 bài báo ISI, 03 bài Scopus, 61 bài báo trong nước được tính điểm của Hội đồng GSNN, đào tạo 51 thạc sỹ, góp phần đào tạo 28 NCS cùng gần 100 sản phẩm khoa học khác,… Được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Bộ GDĐT đã thực hiện việc thưởng công bố quốc tế theo quy định đối với các bài báo được công bố trong danh mục ISI hàng năm. Kết quả cho thấy, số lượng công bố quốc tế trong danh mục ISI của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT tăng từ 1.376 bài năm 2017 lên 1.718 bài năm 2018 (tăng 25%) và 2.412 bài năm 2019 (tăng 40%). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các bài báo quốc tế cũng tăng đáng kể. Trong số 2.412 bài báo quốc tế năm 2019, có tới 1.013 bài Q1 (chiếm tỷ lệ 42%) và 901 bài Q2 (chiếm tỷ lệ 37%). Điều này góp phần không nhỏ trong việc tăng vị thế, thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ. Theo bảng xếp hạng các đơn vị NCKH (SCImago Intitution Ranking), năm 2019, có 02 cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) trực thuộc Bộ được xếp hạng cao trong khu vực Châu Á và thế giới (trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Cần Thơ) và có 04 CSGDĐH được xếp hạng trong Top 500 Châu Á. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội có 04 ngành được THE (Times Higher Education) xếp thứ hạng cao là Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật cơ khí – Hàng không và chế tạo, Kỹ thuật máy tính và Hệ thống thông tin. Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg, Bộ GDĐT đã xây dựng 03 bộ tài liệu liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong 03 trường đại học (Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp HCM). Tuy nhiên, Vụ trưởng Tạ Ngọc Đôn cho rằng, việc đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN của CSGDĐH trực thuộc Bộ chưa tương xứng với tiềm lực, việc triển khai Chương trình khoa học giáo dục cấp quốc gia còn chậm tiến độ, ảnh hưởng đến việc bố trị dự toán kinh phí, trong khi đó, số lượng và kinh phí bố trí cho các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vẫn còn khiêm tốn,… Đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp và hoạt động KH&CN của Bộ GDĐT, Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ KH&CN) Lê Quang Thành cho rằng: cùng với 43 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GDĐT tương đối mạnh cùng với 25.000 giảng viên chiếm 1/3 đội ngũ cán bộ khoa học trong các cơ sở dục đại học cả nước; có 184 giáo sư, 1.947 phó giáo sư, 5.557 tiến sĩ, 13.825 thạc sĩ và đào tạo 5.088 nghiên cứu sinh sẽ là nguồn nhân lực dồi dào, đa ngành, đa lĩnh lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Bộ GDĐT cần tiếp tục cơ cấu để đảm bảo phát huy những điểm mạnh về nguồn nhân lực và tính đặc điểm đa ngành đa ngành, đa lĩnh vực của Bộ GDĐT, bên cạnh việc quan tâm hơn nữa đến các nghiên cứu về ứng dụng và chuyển giao công nghệ, các kết quả nghiên cứu cần được thương mại hóa sản phẩm gắn với thị trường; tiếp tục cải thiện công tác thống kê dữ liệu thông tin về KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học. Một số trường đại học trực thuộc Bộ GDĐT thuộc top đầu của cả nước cần tham gia tích cực hơn nữa vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, các đơn vị chức năng liên quan của hai Bộ đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác liên quan đến một số hoạt động như: Tài chính, KHCN&ĐMST, Ứng dụng, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp,... Ngoài việc ghi nhận sự thay đổi tư duy về KH&CN, ĐMST trong các ngành, các cấp trên cơ sở các Nghị Quyết, Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt vai trò KH&CN, ĐMST, các chương trình trọng điểm như Toán, Vật lý đã thể hiện rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cũng đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế cũng như đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như tập trung khuyến kích các hoạt động KH&CN mang tính thực tiễn cao, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mang lại nguồn thu cho cơ sở giáo dục; sự phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc chỉ đạo hoạt động KHCN & ĐMST; đẩy mạnh sự liên kết giữa các trường với doanh nghiệp, triển khai các sản phẩm đầu ra,...
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ vui mừng về những thành tựu hợp tác giữa hai bên. Đồng thời, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đầu mối của hai Bộ trong các Chương trình quốc gia. Điều này đã thể hiện nhiều kết quả, sản phẩm cụ thể qua vị thế, xếp hạng ĐMST của Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, để có được những kết quả tốt hơn nữa, hai bên cần tiếp tục đồng hành một số chương trình trọng điểm; từ những kết quả đạt được, hoạt động phối hợp cần đi vào chiều sâu, thực chất và thường xuyên hơn nữa. Đặc biệt là tăng cường vai trò của đơn vị đầu mối trong công tác phối hợp giữa hai Bộ; cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị Bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với ý kiến của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: hai bên cần tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm mà Chính phủ đã định hướng, ưu tiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, có sản phẩm đầu ra; xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu về chuyên gia KH&CN trong các CSGDĐH, xây dựng báo cáo thường niên về hoạt động KH&CN của Bộ GDĐT; tập trung rà soát các kết quả hoạt động để có hình thức ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học có đóng góp, cống hiến tích cực; cùng tháo gỡ những nút thắt trong thẩm quyền của hai Bộ; gắn kết các trường đại học với các doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh,... trong thời gian tới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị
|