|
|||
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2020 của Ban chấp hành Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ; hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ, được sự đồng ý của Đảng ủy, Đoàn thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (KHNNVN) phối hợp triển khai Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp (gọi tắt là IPPlatform) và tổ chức“Ngày hội sở hữu trí tuệ” cho đoàn viên, thanh niên, nghiên cứu viên trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020. Về phía đoàn khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Trần Hữu, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn.Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có đồng chí Phương Tuyến, Chánh văn phòng Đảng - Đoàn thể; đồng chí Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Viên Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; đồng chí Lê Vũ Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Bí thư Đoàn Bộ; đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế, kỹ thuật; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn Bộ. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Nguyễn Hoàng Linh, Phó Bí thư Đoàn Bộ, đồng chí Đào Ngọc Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn bộ. Về phía Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có đồng chí Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; đồng chí Phạm Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường Vụ Đảng ủy Viện, Trưởng ban Tổ chức hành chính; đồng chí Lã Tuấn Nghĩa, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy Viện, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên thực vật; đồng chí Hoàng Thị Hiền, Chủ tịch công đoàn Viện cùng đại diện Lãnh đạo các ban, các Viện và trung tâm trực thuộc Viện.
Khai trương Trạm khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp. Các sản phẩm được trưng bày tại gian hàng là các sản phẩm khoa học công nghệ được thực hiện bởi trí óc và bàn tay của những nhà khoa học từ hai Bộ (các đơn vị đầu mối của Viện KHNNVN, và gian hàng của Đoàn thanh niên Viện ƯDCN, Viện NLNTVN, Viện KHSHTT) là đúc kết của kinh nghiệm và thực tiễn nghiên cứu sau nhiều năm của các tập thể. Rất nhiều sản phẩm trong triển lãm đã và sắp được bảo hộ Giống, thiết bị kỹ thuật và sở hữu công nghiệp. Thông qua triển lãm này, ban tổ chức mong muốn các đơn vị có thể chia sẻ với nhau về các nghiên cứu ứng dụng của đơn vị mình, đồng thời tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của bảo hộ các tài sản trí tuệ, qua đó, lãnh đạo các đơn vị cũng sẽ có thêm cái nhìn tổng quát hơn để có thể quản trị những tài sản trí tuệ của đơn vị mình.
Toàn cảnh Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghệp phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp”. Tại Hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghệp phục vụ hoạt động tạo dựng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ trong nông nghiệp”, nhiều vấn đề nóng liên quan đến công tác tạo dựng, xác lập tài sản trí tuệ được đưa ra thảo luận. Theo đánh giá của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, thực trạng tài sản trí tuệ hiện nay tại các viện nghiên cứu có chất lượng thấp; mối liên kết giữa các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu còn yếu; khả năng quản trị công tác xác lập quyền chưa đủ mạnh; hiệu lực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, chỉ ra rằng nếu không quản trị tốt tài sản trí tuệ sẽ dẫn đến những tổn thất nặng nề cho viện nghiên cứu cũng như các nhà khoa học như: Lãng phí tài nguyên trí tuệ, vốn trí tuệ; giảm sút, triệt tiêu hiệu quả đầu tư sáng tạo; đánh mất cơ hội, giảm sút khả năng cạnh tranh, giảm thiểu động lực phát triển; tổn thất uy tín, tài chính do vướng vào các tranh chấp, rắc tối pháp lý với người khác.
Các đại biểu trao đổi thảo luận tại Hội thảo. Cũng tại Hội thảo, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong hoạt động sở hữu trí tuệ của đơn vị: Hoạt động tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức với tốc độ và yêu cầu hội nhập, phát triển kinh tế xã hội; hoạt động khai thác các giá trị của sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị thành viên hầu hết không có cán bộ chuyên trách về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Nhận thức về sở hữu trí tuệ của các cán bộ nghiên cứu chưa đồng đều và đầy đủ trong điều kiện Viện chuyển hướng sang tự chủ về tài chính. Thiếu tư vấn về thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chưa xác định được phương án thực hiện hoạt động sở hữu trí tuệ phù hợp trong bối cảnh không có nguồn ngân sách riêng để duy trì và thúc đẩy hoạt động này.
Kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ giữa Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình “Ngày hội Sở hữu trí tuệ” năm 2020, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã tổ chức lễ kí kết thỏa thuận hợp tác về sở hữu trí tuệ và khai trương trạm khai thác thông tin sở hữu công nghiệp IPPlatform. Platform là nền tảng công cộng miễn phí, cho phép tất cả người dùng tra cứu thông tin về sở hữu công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ đăng kí sở hữu trí tuệ, cập nhật thông tin về tài sản trí tuệ, và đăng thông báo mua bán các tài sản trí tuệ trên sàn giao dịch. Nó tích hợp toàn bộ cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN), đồng thời có thêm cơ sở dữ liệu do người dùng tự cung cấp (được kiểm chứng) và liên kết với một số cơ sở dữ liệu từ Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và các cơ quan sáng chế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, bối cảnh nghiên cứu trong ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch. “Trước đây, các sản phẩm khoa học công nghệ như giống, quy trình kỹ thuật chúng tôi nghiên cứu ra chưa có thị trường mà chủ yếu để phục vụ yêu cầu của nhà nước, tức dành cho người nông dân sử dụng, đa phần là miễn phí thông qua hệ thống khuyến nông. Tuy vậy, hiện nay chúng ta đã bước sang giai đoạn thị trường hóa các sản phẩm khoa học công nghệ. Sản xuất nông nghiệp không phải chỉ có nông dân mà đã có sự tham gia của các doanh nghiệp,”. Như vậy, trong tương lai nhu cầu của doanh nghiệp về các tài sản trí tuệ sẽ tăng lên, đồng nghĩa với việc các viện nghiên cứu phải đẩy mạnh hơn quá trình thiết lập quyền bảo hộ tài sản trí tuệ của mình để trở thành người cung cấp 'vốn chất xám' hiệu quả. Sự kiện này là bước đầu phối hợp giữa Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác nghiên cứu khoa học và công tác sở hữu trí tuệ. Thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện các nhà khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong việc tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ.
Các đại biểu tham quan Triển lãm. Tin, ảnh: Đăng Minh
|