|
|||
“Quả ngọt” từ sự hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN Là DN KH&CN đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá, Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông luôn xác định KH&CN chính là nền tảng phát triển trong suốt hơn 20 năm qua và tiếp tục khẳng định KH&CN là chiến lược phát triển. Đây là niềm tự hào để Tiến Nông vững bước trên con đường đã chọn đó là xác định sứ mệnh “Giúp nông dân giàu có, cùng Việt Nam thịnh vượng”. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, ThS. Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, DN muốn phát triển bền vững thì cần đầu tư sâu vào KH&CN để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước; đồng thời, thỏa mãn yêu cầu của thị trường nước ngoài. KH&CN là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm KH&CN được xác định là nhiệm vụ quan trọng số một tại DN, với mục tiêu dài hạn là 100% các sản phẩm của công ty là sản phẩm KH&CN. Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ KH&CN cũng như ngành KH&CN Việt Nam đã có những đổi mới rất tích cực giúp các DN đổi mới về KH&CN. Chủ trương thành lập 3.000 DN KH&CN trong giai đoạn 2015 - 2020 kèm theo chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã tạo động lực cho rất nhiều DN bắt tay vào đổi mới KH&CN trong đó có Tiến Nông. Trong suốt quá trình hoạt động, Công ty Tiến Nông đã luôn chú trọng công tác nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Nhờ vào việc phổ biến, tuyên truyền chính sách và sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực của Sở KH&CN Thanh Hoá, Công ty đã hoàn thiện các điều kiện cần thiết để đăng ký và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trở thành doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của tỉnh Thanh Hoá. Đây là niềm tự hào để Tiến Nông vững bước trên con đường đã chọn đó là xác định sứ mệnh “Giúp nông dân giàu có, cùng Việt Nam thịnh vượng”. Một ví dụ nữa về hiệu quả của hệ thống chính sách phát triển thị trường doanh DN KH&CN đó là sự phát triển của Công ty Cổ phần Dược phẩm Savi (Savipharm). Hệ thống chính sách đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nền tài chính vững vàng hơn, có nguồn lực để đầu tư tiếp tục cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, nghiên cứu phát triển. Việc trao chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Savipharm đã thể hiện nỗ lực đặc biệt trong việc hỗ trợ phát triển thị trường KH&CN của Sở KH&CN TP.HCM và đánh dấu số lượng doanh nghiệp KH&CN tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Với việc được công nhận là DN KH&CN, Savipharm có thêm động lực để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn cho hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển như đầu tư các dự án sản xuất mới, công nghệ cao, nhà máy dược phẩm thông minh, góp phần trực tiếp vào việc xây dựng phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam, hướng tới mục tiêu cung ứng 100% thuốc cho nhu cầu phòng và chữa bệnh cho nhân dân vào năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ. Thầy thuốc ưu tú, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Savipharm, cho biết, ngay từ khi thành lập công ty vào năm 2005, hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển đã được Savipharm đặc biệt quan tâm: xây dựng mô hình hoạt động KH&CN, nghiên cứu phát triển hiệu quả với việc đầu tư hoạt động 3 cấp (nghiên cứu bào chế - nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm - sản xuất thương mại); tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm KH&CN; bố trí đủ nguồn tài chính cho hoạt động khoa học và thực hiện chính sách đãi ngộ cao với đội ngũ cán bộ hoạt động KH&CN. Trước đó, Savipharm đã dành ngân sách cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với tỷ lệ từ 1-3% doanh thu, nhưng từ năm 2016, Hội đồng quản trị của Savipharm đã quyết định tăng tỷ lệ dành cho R&D lên từ 3-5% doanh số. Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu cho rằng, chính sách mà Chính phủ và TP.HCM dành cho doanh nghiệp KH&CN, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nền tài chính vững vàng hơn, có nguồn lực để đầu tư tiếp tục cho hoạt động nghiên cứu KH&CN, nghiên cứu phát triển. Tạo “bệ đỡ” từ cơ chế chính sách Nhằm phát triển thị trường KH&CN, đặc biệt là DN KH&CN, Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích như Nghị định 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075)… nhằm ưu đãi, hỗ trợ như: miễn thuế, giảm thu nhập cá nhân; Miễn giảm tiền thuê đấy, thuê mặt nước; Ưu đãi tín dụng cho DN KH&CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh… Để hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN cũng đã có nhiều các chương trình, dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động liên kết và xúc tiến nhằm thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ rất quan trọng. Hiện nay, những mô hình về tổ chức trung gian đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong mọi lĩnh vực để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Công nghệ “KHÔNG SINH BỤI - KHÔNG TIẾP XÚC” được ứng dụng tại nhà máy sản xuất Dược tại SAVIPHARM. Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), người được giao làm đầu mối phối hợp với một số DN KH&CN lên ý tưởng thành lập Hiệp hội cho biết, công nghệ là nền tảng cho mọi thành công, là thước đo sự phát triển của đất nước nên việc tập hợp DN KH&CN vào một sân chơi chung luôn là trăn trở của lãnh đạo Bộ KH&CN. Điều quan trọng nhất mà sân chơi này hướng tới là xây dựng và phát triển thương hiệu cho nền KH&CN Việt Nam; phát động phong trào người Việt Nam dùng sản phẩm KHCN của Việt Nam.
Hiện cả nước có rất nhiều DN hoạt động trên mọi lĩnh vực nhưng số lượng DN được công nhận là DN KH&CN chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Số lượng ít nên hầu hết đều hoạt động độc lập. Chính phủ đã dành nhiều quyền lợi cho DN KH&CN với mục đích phát triển nền KH&CN cho Việt Nam nhưng do số lượng còn khiêm tốn, không có lực lượng hỗ trợ đồng hành nên quyền lợi dành cho DN KH&CN còn chưa được đảm bảo. Chính phủ Việt Nam xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược (cùng với cải cách thể chế và hạ tầng); là đòn bẩy của tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hình thái xã hội 5.0 sẽ tác động tất yếu tới tất cả các quốc gia, sự phát triển đột phá của các công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ tích hợp giữa vật lý, sinh học và kỹ thuật số) sẽ làm thay đổi cách thức quản lý và vận hành kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và điều hành của các Chính phủ. Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn tới, theo các chuyên gia, cần phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền; phát triển hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu KH&CN trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, cần xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN, hỗ trợ các viện nghiên cứu, trường đại học hợp tác với doanh nghiệp theo hướng tạo ra kết quả nghiên cứu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng mô hình đối tác công - tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động ĐMST; thúc đẩy hợp tác quốc tế về STI nhằm khai thác lợi thế, chia sẻ kinh nghiệm và tận dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, cũng như chủ động nắm rõ các xu thế KH&CN trên thế giới để có phương án vận dụng hiệu quả vào Việt Nam... Bài, ảnh: Minh Châu
|