|
|||
Cả nước có 13.997 doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ Theo báo cáo từ các địa phương, năm 2019, đã có 13.997 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hoạt động đổi mới công nghệ; có 161 doanh nghiệp được tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ; có 90 công nghệ được chuyển giao, đưa vào ứng dụng; có 72 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện với tổng giá trị là 3.650 triệu đồng.
Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Kết quả năm 2019: có 41 doanh nghiệp KH&CN được thành lập; 361 dự án khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách; 370 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp mạo hiểm; 357 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành.
Nhiều cộng đồng khởi nghiệp lớn dần hình thành, hoạt động hiệu quả như: Starthub.vn, Twenty.vn, Startup. vn và Launch. Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hatch!Program và khu vực công lập như vườn ươm đã được thành lập trong Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm DN chế biến thực phẩm Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Thành công mới đây của Abivin cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Abivin là doanh nghiệp (DN) cung cấp giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Ngày 15/7/2019, Abivin đã xuất sắc vượt qua đại diện của 40 quốc gia trên thế giới, giành giải Nhất với giải thưởng trị giá 1 triệu USD tiền đầu tư tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc tế năm 2019…
Khảo sát cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư hoạt động đầu tư mạo hiểm được thành lập như: Câu lạc bộ Hatch Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tại TP. Hồ Chí Minh; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, các tỉnh, thành phố đã đưa ra rất nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như: Đồng Nai; Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương; Quảng Nam; Nghệ An; Đà Nẵng: Hiện thành phố có 06 vườn ươm, gồm 02 vườn ươm của nhà nước, 01 vườn ươm hợp tác công tư và 01 vườn ươm của tư nhân, 02 vườn ươm của trường đại học, cao đẳng, 02 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung, 09 câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp tại các trường Đại học, cao đẳng, Thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ phát triển hơn 60 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển 35 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ 09 doanh nghiệp khuyến khích hoạt động đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp với tổng kinh phí 1.840 triệu đồng.
Đặc biệt, tháng 12/2019, tại Quảng Ninh, Techfest Việt Nam 2019 đã thể hiện bức tranh tổng thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua chuỗi các hoạt động hấp dẫn. Techfest thu hút 6.000 người đến tham dự, trên 800 doanh nghiệp khởi nghiệp, khoảng 300 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 300 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đến đưa tin về sự kiện, đặc biệt Techfest năm nay có các cộng đồng khởi nghiệp, nhà đầu tư, diễn giả đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ứng dụng KH&CN – thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Phát biểu tại Hội nghị, Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cho rằng: "Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19, nhưng doanh nghiệp vẫn chịu tác động tiêu cực bởi chuỗi giá trị toàn cầu bị “đứt gãy”. Giải pháp cho vấn đề này là thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng điều hành của Chính phủ và năng lực sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ của doanh nghiệp và người dân trong nước. Chúng ta thấy rõ tác động của khoa học công nghệ trong thời kỳ Covid-19 là rất đáng kể, quan trọng là toàn xã hội cùng tham gia một cách tự nguyện, do đó Bộ Khoa học và Công nghệ nên đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia để bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chẳng hạn như: Cho phép các thành phần kinh tế tham gia vào cơ chế thí điểm (sandbox) công nghệ tài chính (Fintech) để phát triển các thị trường tài chính thứ cấp như Crowd funding, P2P lending hoặc leasing; xây dựng một bộ giải pháp chuyển đổi số tổng thể, phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam để tích hợp các hệ thống quản trị nhằm nâng cao năng lực điều hành, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; ban hành một bộ tiêu chuẩn doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để các nhà đầu tư và ngân hàng có thể tham chiếu tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp trước khi đưa ra phương án rót vốn hoặc cho vay".
Thúc đẩy ứng dụng KH&CN để nâng caonăng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đã đưa ra một số khuyến khị như: Về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, ông đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc thực hiện mục tiêu năm 2020 tại Quyết định số 100 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong một khoảng thời gian ngắn, đã có 44/63 địa phương tiến hành các hoạt động triển khai Đề án, tuy nhiên số lượng tỉnh, thành đã triển khai truy xuất nguồn gốc còn tương đối hạn chế (7 địa phương). Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đang vận hành thành công cổng truy xuất nguồn gốc Nông, Lâm, Thủy sản Check.net.vn, nhưng có một thực trạng là việc truy xuất nguồn gốc vẫn phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của người dân và doanh nghiệp, mà chưa có tính ràng buộc. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và đưa truy xuất nguồn gốc trở thành một khâu bắt buộc trong sản xuất để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia hiệu quả vào các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Nhằm nâng cao năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu và ứng dụng mô hình công nghệ tiên tiến mới như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và người máy… để tạo điều kiện hình thành nên các “nhà máy thông minh” trong tương lai.
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động KH&CN của các doanh nghiệp địa phương thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: các Sở KH&CN cần chủ động tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khoa học và công nghệ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phục hồi nhanh chóng sản xuất, khắc phục mọi khó khăn do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến hoạt đông tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế ưu đãi doanh nghiệp theo Nghị định 13…
Bài, ảnh: PV
|