|
|||
Đây là chương trình hợp tác nằm trong định hướng kết nối các nguồn lực quốc tế qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển ở tầm khu vực và toàn cầu. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với CEO & Founder startup ELSA Văn Đinh Hồng Vũ về kết quả sau hợp tác này. PV: Giữa lúc doanh nghiệp nói chung đang ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khó khăn của startup ELSA tại Việt Nam và các vùng, quốc gia mà ELSA đang hoạt động là gì, thưa bà? Bà Văn Đinh Hồng Vũ: Khó khăn lớn nhất là ảnh hưởng của COVID-19 đến nhóm khách hàng doanh nghiệp (B2B) của ELSA. ELSA tại Việt Nam cũng như tại Ấn Độ đều đang đẩy mạnh phát triển kinh doanh trong mảng này. Khi có nhiều khách hàng B2B tạm thời ngưng hoạt động hoặc giảm quy mô kinh doanh, ELSA cũng đối diện những thử thách không hề nhỏ trong việc duy trì và tiếp tục tăng trưởng. PV: Đâu là lý do khiến startup ELSA đi đến quyết định hợp tác cùng Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khi mà bản thân chính ELSA cũng đang chịu ít nhiều ảnh hưởng? - Trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang gây ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới, hơn bao giờ hết chúng ta cần rất nhiều những đóng góp, những phương án để chung tay ngăn chặn đại dịch. Là một startup founder người Việt, chứng kiến đồng bào mình ngày đêm kiên cường chống dịch, Vũ luôn thôi thúc bản thân phải góp phần nhỏ của mình vào đại cuộc. Đây không hề là một quyết định dễ dàng với Vũ. Vì ELSA là một startup nên có rất ít nhân sự. Để có thể đảm bảo chất lượng của ứng dụng cho việc số lượng học viên tăng đột biến trong một thời gian ngắn, toàn bộ đội ngũ của ELSA sẽ phải hoạt động gần như 24/7 để duy trì hệ thống, cũng như chăm sóc và phản hồi cho học viên kịp thời. Tuy nhiên, ELSA sẽ không để những thử thách đó làm cản trở những đóng góp của mình cho xã hội, và đội ngũ ELSA đã tự tin để thực hiện sứ mệnh này. Với sự đồng hành sát sao của Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), Vũ mong hành động nhỏ này sẽ truyền cảm hứng đến cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, cùng nhau luyện tập tiếng Anh tốt hơn và chung tay đóng góp giải pháp thiết thực cho đất nước. PV: Kết quả từ hợp tác có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn của startup, thưa bà? - Thông qua việc hợp tác với Văn phòng Đề án 844, startup ELSA đã có cơ hội mang sản phẩm của mình đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Chúng ta đều biết, nói tiếng Anh không chuẩn sẽ gây cản trở cho bước đường thăng tiến trong công việc đối với những người không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ bản địa như mình. Đặc biệt đối với cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, với vô số tiềm năng cần được khai thác, nâng cao khả năng tiếng Anh chính là một trong những chìa khóa đầu tư giúp khẳng định tên tuổi startup Việt Nam trên bản đồ thế giới. Ngoài việc là một trong những nhóm đối tượng mục tiêu rất phù hợp với chiến lược phát triển của ELSA, trong tương lai, ELSA hy vọng có thể hợp tác cùng phát triển với cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, để tạo ra những dự án, những bước đi thật sự đột phá cho Việt Nam.
Ứng dụng hiện có hơn 7 triệu học viên từ 101 quốc gia trên thế giới, và có văn phòng tại Bồ Đào Nha, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản PV: Bà đánh giá như thế nào về hình thức hợp tác giữa startup Silicon Valley gốc Việt và cơ quan chính phủ Việt Nam? - Trong bối cảnh 4.0 hiện nay, cơ hội và tiềm năng khởi nghiệp tại Việt Nam là rất lớn. Dù chúng ta chỉ mới bắt đầu chuyển mình và có những bước tiến rất cơ bản, nhưng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, nhất là các startup về lĩnh vực công nghệ. Bản thân Vũ, dù đang sinh sống tại Mỹ nhưng luôn có mối liên hệ chặt chẽ và nhận được sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan chính phủ Việt Nam, mà điển hình là Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ. Các cơ quan chính phủ đã xây dựng được hệ thống mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giúp kết nối thông tin và chia sẻ tài nguyên chung một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Vũ nhận thấy có được sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất nhiều từ phía Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đối với môi trường khởi nghiệp. Chúng ta đã hình thành được nhiều thiết chế như Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp quốc gia, không gian làm việc chung, v.v... Các ban ngành, đoàn thể cũng có những chương trình phối hợp tăng cường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp khoa học, công nghệ, ví dụ như các động thái kết nối vốn, quỹ đầu tư, đào tạo, tập huấn, trợ giúp pháp lý, v.v… PV: Theo bà, Chính phủ Việt Nam có nên đẩy mạnh hình thức liên kết, hợp tác này để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hay không? - Theo tôi, đây là một điều rất cần. Thống kê của tạp chí Echelon, Singapore cũng cho thấy Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (là khoảng 1.800 doanh nghiệp). Các doanh nhân trẻ Việt Nam ngày càng cập nhật kiến thức, xu hướng mới từ Đông sang Tây để có thể áp dụng trên chính quê hương của mình, giải quyết những vấn đề lớn cho quê hương. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác sẽ giúp chúng ta tạo ra được hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và bền vững. Có các chính sách nhất quán, đồng bộ và liên tục trong việc tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bằng các chính sách thuế, đầu tư, hỗ trợ gọi vốn, v.v… Bài, ảnh: Đăng Minh
|