|
|||
Ghi nhận của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước Trong cuộc chiến đó, bên cạnh những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu luôn có sự đồng hành của các nhà khoa học ở rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Các giải pháp KH&CN đã được nhanh chóng triển khai, phục vụ kịp thời, có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, cứu chữa người bệnh ở nước ta thời gian qua mà điển hình có thể kể đến là: Phân lập, nuôi cấy virus, sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm, bộ kít test virus SARS-CoV-2; Robot vận chuyển trong các khu vực cách ly, khám chữa bệnh; "Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc" giúp truy tìm dấu vết người nghi nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Có được kết quả này là do Việt Nam trong thời gian dài trước đó đã đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đầu tư cho khoa học cơ bản theo xu hướng hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 - Giải thưởng hằng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản - trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Giải thưởng sau 7 năm triển khai đã được cộng đồng khoa học trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá là Giải thưởng khoa học uy tín.
Nhà khoa học đoạt giải PGS.TS. Phạm Tiến Sơn phát biểu tại buổi Lễ Từ khi tổ chức đến nay, Giải thưởng đã được trao cho 17 nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu, thuộc đầy đủ các ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên và Kỹ thuật với 14 Giải thưởng chính và 03 Giải thưởng trẻ. Ghi nhận của cộng đồng khoa học đối với các nhà khoa học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu những năm trước đây cho thấy chất lượng và uy tín của Giải thưởng. Có thể kể đến việc GS.TS. Phan Thanh Sơn Nam (ngành Hóa học) và PGS.TS. Nguyễn Sum (ngànhToán học) lọt vào danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu có tầm ảnh hưởng của châu Á do tạp chí Asian Scientist bình chọn. GS.TSKH. Phạm Hoàng Hiệp (Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, ngành Toán học) nhận Giải thưởng Toán học quốc tế Ramanujan năm 2019. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 là một trong nhóm các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân lập thành công virus COVID-19, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước trên thế giới phân lập thành công chủng virus này. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng cũng vừa được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019. Nhìn lại chặng đường 7 năm vừa qua, có thể thấy các nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu không chỉ có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc mà còn là những tấm gương phấn đấu, vượt qua những điều kiện nghiên cứu còn thiếu thốn, hạn chế để đạt được kết quả khoa học đỉnh cao. Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã từng bước tạo được sự khích lệ cho cộng đồng khoa học Việt Nam tích cực nghiên cứu, thúc đẩy khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập và phát triển. Nhà khoa học đoạt giải TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu phát biểu tại buổi Lễ Hoạt động nghiên cứu khoa học trên khắp cả nước là rất tích cực Sự đa dạng về vùng miền của các đơn vị chủ trì các nghiên cứu được đề cử Giải thưởng năm nay (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đà Nẵng) cho thấy hoạt động nghiên cứu khoa học trên khắp cả nước là rất tích cực, đồng thời lực lượng nghiên cứu khoa học trình độ cao của Việt Nam đã phát triển đồng đều theo hướng hội nhập quốc tế. Ban Tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 nhận được 48 hồ sơ đề cử/ứng cử cho Giải thưởng. Các HĐKH ngành của Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia đã đánh giá và đề cử tám hồ sơ (bao gồm 5 Giải thưởng chính và 3 Giải thưởng trẻ) để tiếp tục đánh giá, xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Năm 2020, các đề cử tiếp tục ghi nhận ở những lĩnh vực được xem là thế mạnh đó là: Lĩnh vực Toán học: một đề cử Giải chính của PGS.TS Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt Công trình này nghiên cứu một vấn đề cơ bản của toán học và ứng dụng của nó, đó là bài toán tối ưu nửa đại số: Tìm giá trị nhỏ nhất của một hàm đa thức trên một tập nửa đại số. Đây là bài toán “NP-khó” và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà toán học. Dựa trên một vài ý tưởng của Lý thuyết kỳ dị và sử dụng các công cụ của Hình học nửa đại số, công trình chỉ ra tính tổng quát của các bài toán tối ưu nửa đại số. Đề cử giải trẻ của TS. Võ Hoàng Hưng, Trường Đại học Sài Gòn. Công trình nghiên cứu các nghiệm không bình thường của phương trình về luật bảo toàn trong bài toán Cauchy. Thông thường, các phương trình này có vô số nghiệm yếu và người ta cần áp đặt điều kiện entropy để nhận được sự duy nhất nghiệm. Phương pháp nghiên cứu của công trình đã đi ngược lại cách tiếp cận truyền thống, cụ thể là đi tìm nghiệm non-entropy và do đó nghiệm có thể chứa các kỳ dị rất xấu. Kết quả này độc đáo ở chỗ đã xây dựng được lớp bài toán xấu nhất có thể, giúp các chuyên gia hiểu sâu hơn bài toán Cauchy. Công trình đã vận dụng một cách sáng tạo các kết quả hiện đại gần đây về tích hợp lồi của các nhà toán học hàng đầu thế giới như Gromov, Mueller và Sverak. Lĩnh vực Vật lý: đề cử Giải chính của của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Trường Đại học Duy Tân. Lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đề xuất một cách tiếp cận vi mô cho phép mô tả đồng thời cả mật độ mức và hàm lực bức xạ- một trong những chủ đề nghiên cứu rất quan trọng trong ngành vật lý nói chung và vật lý hạt nhân nói riêng. Ưu điểm nổi bật trong phương pháp này so với các mô hình lý thuyết trước kia là sự đơn giản, không điều chỉnh các tham số để khớp kết quả tính toán lý thuyết với số liệu thực nghiệm, cũng như thời gian tính toán rất nhanh (chỉ mất khoảng dưới 5 phút cho một lần chạy trên máy tính cá nhân). Các kết quả này đã được công bố trên tạp chí uy tín Nuclear Physics A. Đây là một trong số ít công trình về Vật lý hạt nhân thực nghiệm của Việt Nam, do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện được công bố trên tạp chí uy tín này.
Các nhà khoa học: PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu Bên cạnh đó, từ công trình nghiên cứu đã dần hình thành một nhóm nghiên cứu vật lý hạt nhân tại Việt Nam ở trình độ quốc tế cao, bao gồm cả nghiên cứu lý thuyết lẫn thực nghiệm, và đặc biệt là hoàn toàn xuất phát từ nội lực. Một đề cử giải trẻ của TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Trong nghiên cứu này, tác giả đề xuất một phương pháp tổng quát nhằm xác định chính xác quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử năng lượng thấp (dưới 100 eV) trong vật liệu. Tác giả cho thấy rằng quãng đường tự do trung bình không đàn hồi của điện tử có thể được xác định trong hệ hình thức điện môi với độ chính xác tương đương với các tính toán nguyên lý đầu sử dụng phép xấp xỉ GW trong lý thuyết hệ nhiều hạt. Đồng thời, phương pháp được đề xuất là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng (một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh). Lĩnh vực Hóa học: một đề cử Giải chính của TS. Trần Mạnh Trí, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả đã xây dựng phương pháp phân tích hiện đại kết hợp với kỹ thuật thu mẫu sử dụng bơm hút tốc độ thấp với ống polyurthane foam (PUF) (giữ chất trong pha hơi) và màng lọc thạch anh (giữ chất trong pha hạt) để xác định đồng thời mười chất phthalates điển hình trong không khí. Kết quả quan trọng của công trình là lập dựng bản đồ phân bố phthalates trong không khí trong nhà và giúp giải thích nguồn gốc ô nhiễm phthalates, từ đó tính toán các hằng số hóa-lý trong điều kiện môi trường thực của phthalates là hằng số phân bố lỏng-hơi (Kp) và hằng số phân bố octanol-khí (KOA). Lĩnh vực Khoa học Y dược: 2 đề cử Giải chính trong đó có PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên 782 phụ nữ vô sinh không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), so sánh tỉ lệ thai diễn tiến và tỉ lệ trẻ sinh sống của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi. Kết quả cho thấy chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương chuyển phôi tươi, do đó, có thể thực hiện đông lạnh phôi để giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giảm biến chứng đa thai của thụ tinh trong ống nghiệm. TS. Nguyễn Thạch Tùng, Trường Đại học Dược Hà Nội. Chìa khóa tạo ra tính mới của nghiên cứu là việc phát triển thành công hệ S-SNEDDS, trên cơ sở xây dựng được hai phương pháp mới để sàng lọc hiệu quả polyme ức chế tái kết tinh. Ý nghĩa mà nghiên cứu mang lại là triển vọng phát triển một sản phẩm mới giúp tăng cường hiệu quả của silymarin trong khi có thể giảm liều điều trị và giảm tác dụng không mong muốn. Giải pháp thu được cũng là tiền đề để mở ra thêm một phương án tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các dược chất có sinh khả dụng thấp như các thuốc kháng virus, kháng nấm. Lĩnh vực Khoa học nông nghiệp: 1 đề cử giải Trẻ của TS. Hoàng Thanh Tùng, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bài báo cung cấp giải pháp kỹ thuật kết hợp giữa vi nhân giống và thủy canh để nhân giống hàng loạt cây hoa cúc, một loại hoa có lợi ích kinh tế cao ở tỉnh Lâm Đồng, nhằm tăng khả năng sản xuất giống cây, giảm thiểu chi phí đầu vào cho ngành nông nghiệp. Bài báo đưa các giải pháp kỹ thuật cải tiến về giá thể nuôi cấy, xử lý chồi giống; sử dụng nano bạc để diệt khuẩn trong quá trình nuôi cấy; và sử dụng hệ thống đèn led để chiếu sáng cây thủy canh. Các giải pháp trên vừa giúp giảm tiêu thụ năng lượng, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất giống. Công trình có ý nghĩa trong nhân giống cây trồng, các phương pháp nêu ra có thể áp dụng để nhân giống nhanh hơn, số lượng nhiều hơn các loại cây trồng ở Việt Nam và thế giới. Với việc ghi nhận và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố quốc tế xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, Giải thưởng đã thực sự khích lệ các nhà khoa học Việt Nam tích cực, say mê nghiên cứu, khám phá kết quả khoa học đỉnh cao. Minh Châu
|