|
|||
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen; Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga; đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vinh danh. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh và khuyến khích các tấm gương điển hình tiên tiến đi đầu trong công cuộc làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội về vật liệu xây không nung (VLXKN), từ đó giúp thúc đẩy phát triển thị trường sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Bùi Phạm Khánh, bà Caitlin Wiesen tại Diễn đàn Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn, trong những năm qua đặc biệt trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam”, Bộ KH&CN đã cùng Bộ Xây dựng và UNDP Việt Nam triển khai nhiều hoạt động tư vấn, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để sản xuất và sử dụng các sản phẩm VLXKN có chất lượng ngày càng cao và hiệu quả. Ngoài hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả của các điển hình tiên tiến trong sản xuất và sử dụng VLXKN, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, Diễn đàn còn góp phần thực hiện thành công Chương trình Phát triển VLXKN của Chính phủ với mục tiêu tiết kiệm đất nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: với mục tiêu phát triển lĩnh vực vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, một loạt văn bản, chính sách liên quan đã được ban hành như: Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về Chương trình Phát triển VLXKN (Chương trình 567); Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế việc sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung và Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 19/9/2014 phê duyệt Dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” của Thủ tướng Chính phủ,… là những chủ trương lớn của Nhà nước về định hướng phát triển bền vững ngành VLXD nước ta.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định và Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Tống Văn Nga trao Kỷ niệm chương và Chứng nhận “Điển hình tiên tiến trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung” cho các doanh nghiệp Theo TS. Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, tại Việt Nam, việc phát triển VLXKN đồng thời giảm gạch đất sét nung (gạch đỏ), xóa bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hóa thạch và là phù hợp với định hướng phát triển bền vững. Đứng trước tình trạng nguồn tài nguyên đất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do đốt than ở các lò gạch thủ công phát thải trực tiếp ra môi trường, trong khi nhu cầu về vật liệu xây ngày càng tăng. Số lượng cơ sở sản xuất GKN đã tăng với sản lượng VLXKN toàn quốc đạt gần 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 25 % tổng sản lượng vật liệu xây (trong khi năm 2010 chỉ chiếm 10%). Hiện đã có 35/63 tỉnh có chỉ thị của UBND về việc xóa bỏ sản xuất gạch đỏ thủ công và tăng cường sử sụng GKN, 45/63 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm sản xuất gạch đỏ. Tuy nhiên TS. Lê Trung Thành lưu ý, kinh nghiệm các nước sử dụng GKN đi trước Việt Nam cho thấy, bên cạnh việc đảm bảo công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, việc đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ từ sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng, tư vấn thiết kế, thi công GKN phải được các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đào tạo cẩn thận, am hiểu sản phẩm mới. “Điều này sẽ tạo sự khác biệt giữa VLXKN và gạch đỏ, qua đó sẽ thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng thực tế” TS. Lê Trung Thành chia sẻ.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Ấn tượng với những thành công trong việc thúc đẩy sản xuất, sử dụng GKN tại Việt Nam thời gian qua, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và các đối tác, các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sản xuất gạch từ phương pháp thủ công ô nhiễm và sử dụng than sang công nghệ không nung thân thiện với môi trường. Đồng thời nhấn mạnh: “Việc sản xuất và sử dụng gạch không nung không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn đưa chúng ta tiến thêm một bước để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu biến đổi khí hậu của Việt Nam”. Sau hơn 5 tháng triển khai với sự hưởng ứng của các doanh nghiệp chế tạo, sản xuất và sử dụng VLXKN, Ban Tổ chức BMF2019 đã lựa chọn được 51 đơn vị đạt tiêu chuẩn vinh danh theo Quy chế của Chương trình thuộc các nhóm: Doanh nghiệp sản xuất VLXKN; Doanh nghiệp chế tạo thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất VLXKN; Nhà thầu thi công xây dựng các công trình sử dụng nhiều VLXKN và Chủ đầu tư có các công trình sử dụng nhiều VLXKN. Trong khuôn khổ Diễn đàn, các doanh nghiệp đã có dịp cùng chia sẻ, trao đổi những giải pháp, đổi mới công nghệ; quản trị doanh nghiệp; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong sản xuất và sử dụng VLXKN, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công Chương trình phát triển VLXKN của Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí và vật liệu xây dựng Thanh Phúc Trần Duy Cảnh - một trong những doanh nghiệp được vinh danh ở nhóm chế tạo thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung tại BMF2019 cho hay, việc tổ chức vinh danh các điển hình tiên tiến trong sản xuất và sử dụng VLXKN là một trong những hoạt động rất đáng khích lệ, động viên doanh nghiệp cũng như đánh giá đúng những cống hiến của doanh nghiệp trong phát triển VLXKN.
Toàn cảnh Diễn đàn Thay mặt Ban Tổ chức diễn đàn, Chủ tịch Tống Văn Nga kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hướng đến phát triển, sử dụng VLXKN nhằm hướng tới các công trình xanh trong thời gian tới. Hoàng Phiêu
|