|
|||
Truyền thông đưa KH&CN đến với người dân Sáng ngày 26/11, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa và học công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp”. hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện “Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2019”. Đến dự hội thảo: Về phía Bộ KH&CN có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN. Về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai có ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai. Hội thảo còn thu hút hàng trăm đại biểu đến từ các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai, Sở KH&CN trong cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. Phát biểu đề dẫn, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Trung tâm) cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nông nghiệp luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là ngành mũi nhọn quan trọng. Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải dựa vào KH&CN và ưu tiên đầu tư cho KH&CN. Để triển khai được các mục tiêu quan trọng của ngành nông nghiệp thì công tác truyền thông giữ vai trò rất quan trọng. Ông Trần Quang Tuấn cũng thông tin, bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, thì truyền thông bằng các phương thức mới như trên mạng xã hội cũng là vấn đề cần quan tâm lưu ý trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại Hội thảo Phát biểu tại hội thảo ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Để KH&CN trở thành động lực và ngày càng phát triển, nhất là trong lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, công nghiệp, y tế… thì công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức người dân cũng như các cấp quản lý là hết sức quan trọng. Qua đó, thấy rõ vai trò của KH&CN trong sản xuất đời sống, trong việc nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Hiện nay, việc chuyển tải thông điệp truyền thông về KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối phong phú thông qua các kênh báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình... tương đối dễ hiểu, dễ nhớ, chính xác, chân thực. Thông qua buổi hội thảo lần này, Thứ trưởng mong muốn các Phóng viên, các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông hơn, phát hiện ra được những vấn đề mới về KH&CN, chia sẻ với những người làm KH&CN, đưa thông tin đến với công chúng một cách gần gũi, dễ hiểu, mang KH&CN đến gần với người dân. Đánh giá cao về tầm quan trọng của Hội thảo do Trung tâm truyền thông tổ chức, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, Trung tâm truyền thông nên tổ chức thêm nhiều Hội thảo như thế này để góp phần lan tỏa các kết quả trong chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp và còn các lĩnh vực khác của KH&CN. Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cũng khẳng định, thực tiễn phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại ở các quốc gia tiên tiến cũng như ở Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông đối với phát triển kinh tế - xã hội nói chung và với phát triển nông nghiệp nói riêng. “Với sự áp dụng nhanh chóng các thành tựu mới của công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào đời sống và sản xuất, báo chí, truyền thông đã và đang trở thành phương tiện, điều kiện cơ bản quan trọng hợp thành động lực phát triển xã hội”.
Giám đốc Trung tâm NC&PT truyền thông KH&CN Trần Quang Tuấn (người đứng) phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: GL) Cần chủ động cung cấp thông tin Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Hoàng Viết Chọn - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thanh Hoá cho rằng, cần có sự chia sẻ, liên kết thông tin đa chiều bởi đối với người dân ở vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số cần giúp họ tiếp cận với những kiến thức KH&CN tiên tiến, thông qua đó có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đại diện cho cơ quan báo chí khu vực Tây Nguyên, Phó Giám đốc Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam Hoàng Trung Dũng cũng đề xuất, để hoạt động truyền thông về ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao và có sức lan toả hơn nữa, trong thời gian tới, Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT, các Sở, ngành địa phương cần có sự ưu tiên và có chiến lược, kế hoạch cụ thể cho hoạt động này, chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện để nhà báo tiếp cận với các chính sách, các mô hình, điểm sáng ứng dụng KH&CN, kết quả nghiên cứu mới phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải thiện môi trường,… “Trong thời gian tới tăng cường hơn nữa những thông tin về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tiếp cận đến các thông tin về KH&CN trong nước và thế giới; cần có thêm nhiều chương trình Hội thảo trực tiếp phát trên các phương tiện thông tin đại chúng để Doanh nghiệp được tiếp cận tới các chính sách cơ chế mới”, ông Phan Thanh Thiên, Tổng giám đốc công ty Phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh kiến nghị thêm.
Toàn cảnh Hội thảo Dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ KH&CN và UBND tỉnh Gia Lai, trong thời gian diễn ra Hội thảo đã được nhiều ý kiến, đề xuất, góp ý từ các đại biểu đến từ cơ quan báo chí, trường đại học, Viện nghiên cứu,...các ý kiến xoay quanh vấn đề như đánh giá cao chủ đề của hội thảo, cần tăng cường tổ chức hoạt động truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp; bên cạnh đó các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu cũng cần chủ động, tạo điều kiện trong việc giới thiệu các đề tài nghiên cứu khoa học, các kết quả nghiên cứu, tham gia vào các chương trình truyền thông nhằm góp phần xây dựng các chương trình sinh động, thiết thực và khách quan hơn là chỉ để phóng viên tự phản ánh, giới thiệu thay,...
Bài, ảnh: Hoàng Anh
|