Bản in
Phát triển gạch không nung - Cần cơ chế phối hợp hiệu quả hơn nữa
Là một trong những thương hiệu hàng đầu về sản xuất gạch không nung (Gạch bê tông cốt liệu) tại Việt Nam và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường vật liệu xây dựng, tuy nhiên ông Lê Hoài An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gạch Khang Minh vẫn không khỏi băn khoăn, trăn trở với việc tiếp tục mở rộng sản xuất gạch không nung (GKN).
Trong khuôn khổ buổi làm việc với Nhóm chuyên gia tư vấn của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) gần đây nhằm tìm hiểu thực trạng sản xuất GKN của doanh nghiệp, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Lê Hoài An liên quan đến những thách thức trong việc phát triển, tiêu thụ GKN trên thị trường vật liệu xây dựng.
 
PV: GKN được đánh giá là xu thế tất yếu của thời đại, vậy ông có thể cho biết lợi ích của GKN mang lại so với gạch đất sét nung (Gạch đỏ) như thế nào?
 
Ông Lê Hoài An: Hiện nay, GKN do chúng tôi sản xuất là gạch bê tông cốt liệu. Theo tính toán của chúng tôi đã được công bố từ năm 2015, lợi thế của việc sử dụng GKN trong các công trình xây dựng có thể mang lại cho chủ đầu tư những giá trị lợi ích không hề nhỏ. Đơn cử, một tòa chung cư cao 25 tầng, nếu xây tường bằng gạch không nung dày 15cm-17cm, thay vì tường 20cm, thì trung bình một căn hộ sẽ giảm tới 27- 32% khối xây, chưa kể diện tích căn phòng sẽ rộng ra thêm từ 1,5 - 2m2 cho diện tích căn hộ 100m2. Như vậy, một tòa nhà chung cư bình quân từ 200 căn hộ sẽ giúp chủ đầu tư lợi ra khoản giá trị đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng (Bao gồm diện tích, khối lượng vật liệu xây).
 
PV: Với lợi thế như trên, sản lượng của nhà máy sản xuất của Khang Minh hiện nay đạt bao nhiêu % so với công suất thiết kế thưa ông?
 
Ông Lê Hoài An: Hiện nay, công suất thiết kế của nhà máy 1 của Khang Minh là 195 triệu viên/năm và nhà máy 2 là 180 triệu viên/năm, tổng thiết kế của 2 nhà máy là 375 triệu viên/năm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất hiện nay giữa các năm dao đông từ 120 – 150 triệu viên/năm. Do vậy, Khang Minh cũng đang nghiên cứu, bổ sung lĩnh vực sản xuất vật liệu không nung khác nữa là đá nhân tạo.
 
PV: Vậy sản lượng GKN thấp là do đầu ra của thị trường?
 
Ông Lê Hoài An: Tại nhiều hội thảo, hội nghị về thị trường vật liệu xây, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng để GKN có thể cạnh tranh được với gạch đỏ, cần phải tăng thuế tài nguyên vào đất sét (nguyên liệu không tái tạo) để làm gạch đỏ, giảm thuế VAT từ 10 xuống 5% cho doanh nghiệp sản xuất GKN,… Các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất GKN vẫn còn những hạn chế nhất định, tuy nhiên Khang Minh vẫn chủ động về đầu tư công nghệ, điều này thể hiện qua việc Khang Minh tự hào là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được cấp Chứng chỉ giảm phát thải từ năm 2012 của Tổ chức Liên hợp quốc.
 
PV: Theo ông, doanh nghiệp sản xuất GKN gặp phải khó khăn gì trong thời gian đầu?
 
Ông Lê Hoài An: Thực tế từ những năm đầu tiên, Khang Minh có gặp vấn đề về chất lượng (Khang Minh đã có kinh nghiệm 9 năm về sản xuất GKN) nhưng chính những vướng mắc cũng tạo động lực cho Khang Minh dày công nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật cũng như quy trình sản xuất. Từ năm 2012 trở lại đây, chất lượng GKN hoàn toàn được đảm bảo về chất lượng.
 
Thứ nhất: Việt Nam là đất nước nóng ẩm, mưa nhiều nên thời gian đầu (2010 - 2011) GKN gặp vấn đề về khả năng chống thấm. Khang Minh đã tự nghiên cứu, đưa ra tỷ lệ phối trộn giữa các nguyên liệu, đầu tiên là dùng xỉ đáy (tro xỉ) từ nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Sau 2 năm, từ 2014, Khang Minh tiếp tục đưa tro bay vào phối trộn, đây được xem là bước tiến lớn trong việc cải thiện chất lượng chống thấm của gạch và từ đó đến nay Khang Minh hoàn toàn sử dụng tro bay thay tro xỉ.
 
Thứ hai: Những sản phẩm GKN trước đây có ít thành vách (2 thành vách) do vậy tỷ lệ bám dính vữa không cao dẫn đến sự vững chắc của bức tường hạn chế. Để khắc phục, Khang Minh đã tăng lên từ 3 - 4 thành vách của viên gạch để tăng độ bám dính, giảm chiều cao của viên gạch để đảm bảo với sức vóc của người lao động (thợ xây dựng) Việt Nam và năng cao chất lượng thi công.
 
PV: Ngoài nguyên liệu, Khang Minh có cải tiến gì thưa ông? 
 
Ông Lê Hoài An: Để sử dụng tro bay trong việc phối trộn cốt liệu thì một trong những bí quyết công nghệ đó là cốt liệu phải trộn ướt, thay vì trộn khô nhằm tăng tính kết dính cốt liệu qua việc thủy hóa xi măng.
 
Ngoài ra, phần lớn công nghệ sản xuất GKN là ép rung, có dải tần, biên độ rung riêng. Theo đó, Khang Minh đã phải nghiên cứu, chuyển đổi dải tần phù hợp, hay nói cách khác là biến tần để điều chỉnh độ linh hoạt trong tần số rung cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Như vậy, để cải thiện chất lượng gạch cần 2 yếu tố đó là nguyên liệu đầu vào và công nghệ cải tiến phù hợp.
 
PV: Là một trong những thương hiệu hàng đầu về GKN trên thị trường hiện nay, liệu Khang Minh có ý định tiếp tục đầu tư thêm một Nhà máy nữa thưa ông?
 
Ông Lê Hoài An: Với tình hình thực tế hiện nay, Khang Minh sẽ cân nhắc cẩn trọng hơn trong việc đầu tư xây dựng nhà máy mới nữa cũng như tiếp tục đầu tư cho việc sản xuất GKN. 
 
Khang Minh tự hào về uy tín, thương hiệu trên thị trường GKN bê tông cốt liệu, nhưng việc phát triển thêm nhà máy sản xuất, mở rộng thị trường,… trong ngắn hạn là chưa có kế hoạch cụ thể.
 
Về vĩ mô, nói đến vật liệu xây dựng thì liên quan đến hoạt động xây dựng. Trong 1 - 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường xây dựng bắt đầu có xu hướng chậm dần. Thêm nữa quỹ đất, dự án cho phát triển bất động sản tại các đô thị lớn có xu hướng giảm. Trong khi đó, các Nhà máy GKN bị hạn chế về phạm vi vận chuyển (trọng lượng gạch nặng), vận chuyển xa sẽ tăng chi phí bởi chi phí vận chuyển chiếm tới 30% giá thành sản phẩm gạch.
 
Bên cạnh đó, việc mở nhà máy mới liên quan đến nguồn nguyên liệu, bởi không phải tỉnh nào ở Việt Nam cũng nguồn nguyên liệu để sản xuất GKN. Nhưng có lẽ quan trọng nhất đối với doanh nghiệp GKN là hiệu quả kinh tế mang lại hiện nay là không thật sự hấp dẫn.
 
PV: Đâu là nguyên nhân chính và giải pháp thưa ông?
 
Ông Lê Hoài An: Đầu tiên phải nói là sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất GKN, nhiều nhà sản xuất GKN ra sau chưa có lợi thế về thương hiệu và chất lượng sản phẩm thì họ cạnh tranh về giá, chính vì thế mà họ làm cho giá trên thị trường ngày càng giảm xuống.
 
Việc này một phần nguyên nhân là quản lý nhà nước bởi ít doanh nghiệp thật sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, phân phối sản phẩm với giá thấp để thâm nhập thị trường là phương cách mà nhiều nhà sản xuất đang áp dụng. Tuy nhiên, ai là người giám sát các sản phẩm không phù hợp tiêu chuẩn trên thị trường, dẫn đến sản phẩm kém chất lượng vẫn được tiêu thụ trên thị trường vô hình chung ảnh hưởng đến những đơn vị có chất lượng sản phẩm tốt nhưng không lợi thế về giá thành so với việc đầu tư của họ về khoa học, công nghệ kỹ thuật.
 
Có thể nói, các cơ sở pháp lý hiện nay là khá đầy đủ nhưng tính khả thi, tính thực tiễn vẫn là khoảng cách khá lớn. Ví dụ như Thông tư 13/2017/TT-BXD quy định rất rõ tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình nhưng có kiểm soát được tỷ lệ đó không? Các dự án, công trình họ có tuân thủ không? Và nếu như họ không tuân thủ thì ai là người kiểm tra, ai là người giám sát và ai là người đưa ra các chế tài để bắt họ phải thực hiện theo, việc đó hầu như là không có, hay là rất ít, điều này không đảm bảo sự cạnh tranh trong môi trường lành mạnh để phát triển GKN.
 
Ngoài ra, một bộ phận không ít các nhà thầu xây dựng có tư tưởng cho rằng gạch xây ẩn bên trong tường, không quá chú trọng về chất lượng, nên vẫn tồn tại sự mập mờ của chất lượng cao và chất lượng không ổn định, chất lượng thấp của sản phẩm trong cùng một dự án, công trình.
 
Tuy nhiên với tư cách là nhà sản xuất, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý nhà nước. Nếu như tất cả các chế tài, giải pháp cụ thể được thực hiện, giáo dục, truyền thông cho mọi đối tượng trong ngành vật liệu xây thì tôi tin rằng GKN vẫn có chỗ đứng mạnh mẽ trên thị trường ngành vật liệu xây Việt Nam. Và như thế, các nhà sản xuất chúng tôi mới có thể gây dựng lại niềm tin, tiếp tục đồng hành phát triển.
 
Đây là việc dài hạn và sẽ mất nhiều công sức, đặc biệt là sự cố gắng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng liên quan đến chương trình, chính sách phát triển GKN,… thời gian qua vẫn chưa đủ bởi việc này còn liên quan đến các tỉnh & thành, cơ quan quản lý địa phương, họ có quyết liệt triển khai hay không? Tôi cho rằng rất cần cơ chế phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.
 
Cho đến nay, tất cả các giải pháp về quản lý vĩ mô đều có đầy đủ, từ định mức, từ hướng dẫn thi công, nghiệm thu, chính sách, thông tư, nghị định, tiêu chuẩn & quy chuẩn,… tuy nhiên hiệu lực của các văn bản pháp lý đó cho đến thực thi còn là khoảng cách rất lớn. Nếu triển khai tốt vào thực tiễn, tính thực tế, thực thi của nó thì đã tạo ra sức phát triển rất tốt cho thị trường rồi.
 
PV: Như vậy yếu tố cạnh tranh của gạch đỏ rất "mãnh liệt"?
 
Ông Lê Hoài An: Tôi cho rằng trên thị trường vật liệu xây dựng, việc song hành với gạch đỏ là thực tiễn khách quan, vì phải xác định rằng tại Việt Nam gạch đỏ vẫn là sản phẩm vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều năm nữa, không phải địa phương nào cũng có điều kiện thuận lợi để sản xuất được GKN. Việc xóa bỏ gạch đỏ là xóa bỏ những lò gạch thủ công, công nghệ hạn chế. Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất gạch đỏ đã và đang có những cải tiến, nguồn nguyên liệu có sự đa dạng hơn (như đất đồi..), nên bản thân tôi cho rằng điều quan trọng hơn cả đó là chúng ta làm thế nào để đưa GKN vào thị trường và duy trì sự phát triển lâu dài, bền vững.
 
Như trên đã nói, nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước trong việc quản lý chất lượng tiêu thụ trên thị trường, không đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng kém với giá thấp. Sản xuất sản phẩm có chất lượng đồng đều, phù hợp với chất lượng TCVN, nhà sản xuất sẽ phân phối sản phẩm với mức giá phù hợp, như vậy cũng tạo ra lợi ích kinh tế hợp lý đối với nhà sản xuất. Giải pháp hiện nay là quản lý nhà nước mạnh mẽ, chặt chẽ thì sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng, hiệu quả trong sản xuất, không để những nhà sản xuất chất lượng kém, bán giá thấp ra thị trường, vô hình chung như vậy là tác động tiêu cực tới thị trường, điều này mặc nhiên sẽ thúc đẩy thị trường GKN tốt hơn rất nhiều so với hiện nay. Tất nhiên, bản thân GKN nếu không đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng thì chắc chắn cũng không có chỗ đứng trên thị trường vật liệu xây trong tương lai.
 
Nói như vậy có nghĩa là chỉ cần làm tốt việc thực thi về mặt chính sách cũng đã tạo hiệu ứng tốt cho thị trường GKN trong thời gian tới.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Hoàng Phiêu