|
|||
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Báo chí với hoạt động của đại biểu Quốc hội” do Văn phòng Quốc hội (VPQH) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội ngày 8/8/2019. Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa và Cố vấn trưởng Dự án Tăng cường năng lực VPQH giai đoạn 2 Hanazato Nobuhiko đồng chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Thường trực một số Ủy ban của QH, đại diện lãnh đạo các cơ quan của UBTVQH; đại diện một số Bộ, ngành; các ĐBQH Việt Nam và chuyên gia đến từ Nhật Bản; lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí theo dõi các hoạt động của QH… Tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Hội thảo là diễn đàn để các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các cơ quan của VPQH, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan quản lý báo chí và cơ quan thông tấn báo chí trao đổi về vai trò của truyền thông, cách thức tiếp cận với báo chí và xử lý sự cố truyền thông đối với các hoạt động của Quốc hội và các hoạt động của Đại biểu Quốc hội. Qua đó tăng cường năng lực của cán bộ công chức của VPQH trong việc tham mưu giúp việc cho lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về lĩnh vực thông tin báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tại hội thảo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Iwama Nozomi chia sẻ, Hội thảo nhằm mục đích giúp hai bên chia sẻ ý kiến làm thế nào nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, nâng cao hiệu quả điều hành của QH; từ đó đưa ra thông tin tham khảo đối với các ĐBQH và VPQH. Ở Việt Nam, tốc độ phổ biến Internet đang diễn ra nhanh chóng. Mạng xã hội được sử dụng nhiều trong giới trẻ để thu thập thông tin và trao đổi ý kiến. Chính vì thế, việc tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của QH trên mạng xã hội là rất quan trọng. Tại hội thảo, các nhà báo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận về: Việc sử dụng truyền thông mạng – mạng xã hội của Nghị sỹ; Việc sử dụng truyền thông trong hoạt động tiếp xúc người dân của Nghị sĩ; Vai trò và ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hoạt động của Đại biểu Quốc hội; Hoạt động lấy tin từ Nghị sỹ và Văn phòng Nghị viện; Kỹ năng tiếp xúc và tương tác với báo chí của Đại biểu Quốc hội Việt Nam;... Ông Kuboya Masayoshi, Giảng viên Trường Đại học Tokai, Nhật Bản cho rằng, các nghị sỹ nên khai thác tính tương tác của mạng Internet. Điều quan trọng là đánh giá phản ứng của dư luận đối với thông tin truyền tải. Cụ thể, có những nội dung cần được xử lý bằng tài khoản chính thức của nghị sỹ và cũng có những nội dung cần được xử lý bằng các tài khoản không chính thức. Tài khoản chính thức của nghị sỹ chỉ nên sử dụng đưa ra các diễn đạt tích cực, còn các tài khoản của người ủng hộ có thể đăng các bài tuyên truyền. Các nghị sỹ cũng có thể sử dụng mạng xã hội tách biệt để phân loại. Chẳng hạn, Twitter có giới hạn số chữ đăng bài thì chỉ dùng để báo cáo hoạt động còn Facebook không giới hạn số chữ thì có thể đăng các nội dung về chính sách. Các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế trong mối quan hệ giữa báo chí, truyền thông với ĐBQH hiện nay và đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện vấn đề này trong tương lai. Tin, ảnh: Hạnh Nguyên |