Bản in
Các trung tâm thuộc đề án Đô thị thông minh đã hình thành
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm thế nào đến 23/11 năm nay, đô thị thông minh phải là hiện thực với người dân chứ không còn xa lạ nữa.

 Sáng 12/5, Hội nghị báo cáo kết quả triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" đã được tổ chức tại UBND TP.HCM. Hội nghị có sự tham gia của ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy, Trưởng ban chỉ đạo Đề án; ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng ban điều hành đề án.


4 Trung tâm đã hình thành

Với đặc thù là đô thị đặc biệt, TP.HCM đối mặt với nhiều thách thức đồng thời cũng có nhiều mặt thuận lợi. Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh, trong đó, xây dựng đô thị thông minh là một trong những giải pháp công nghệ góp phần thúc đẩy thành phố phát triển.


Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với Thành phố và để phục vụ người dân tốt hơn. Đề án mang tính đột phá, đi vào chiều sâu công nghệ, là tổng thể nhiều công đoạn và là quá trình liên tục, tạo sự tương tác ngày càng mạnh mẽ giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Việc vận hành một đô thị lớn như TP.HCM đòi hỏi việc phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Ưu tiên hàng đầu của Đề án là xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố.

Đây là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công Trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội của Thành phố. Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của Thành phố khi đô thị thông minh được hình thành thì việc thành lập Trung tâm An toàn thông tin là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong tình trạng hết sức phức tạp hiện nay.

Giám đốc Sở TTTT TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo kết quả triển khai giai đoạn 1.

Thay mặt ban điều hành Đề án đô thị thông minh, ông Dương Anh Đức - Giám đốc Sở TTTT TP.HCM cho biết, qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án, Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Các kết quả này là bước chuẩn bị cơ bản, quan trọng để triển khai các nội dung chính của Đề án. Cụ thể như:

Về xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở: Thành phố đã tổ chức đội ngũ chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện kiến trúc kho dữ liệu dùng chung và kiến trúc cơ sở dữ liệu người dân.

Đến nay, Kho dữ liệu (giai đoạn 1) đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung trên cơ sở tích hợp dữ liệu hiện có của các sở, ngành. Một số dữ liệu quan trọng đã được tích hợp như: Cơ sở dữ liệu một cửa điện tử; cơ sở dữ liệu khiếu nại tố cáo, đường dây nóng hay các dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài…

Ngoài ra, Thành phố đã triển khai thử nghiệm Cổng thông tin dữ liệu mở, trước mắt thử nghiệm cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ ngành y.

Về việc xây dựng Trung tâm điều hành chỉ huy của đô thị thông minh

Trong giai đoạn 1, Thành phố đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu của hơn 1000 hệ thống camera giám sát của Sở GTVT, UBND các quận. Trong đó, phân tích nâng cao dữ liệu cùng lúc 50 camera gồm: nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông và các sự cố về giao thông, an ninh trật tự…

Ngoài ra, Trung tâm đã kết nối thông tin tổng hợp từ Hệ thông tiếp nhận và xử lý phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị; Hệ thống một cửa điện tử; Ứng dụng lắng nghe mạng xã hội.

Về xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế – xã hội

Giai đoạn 1, trung tâm đã hoàn thành tập tài liệu tổng hợp về phương pháp luận, từ đó xây dựng cơ sở khoa học và thực nghiệm cho các hoạt động nghiên cứu, tham mưu về dự báo kinh tế. Ngoài ra, Trung tâm đã xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu từ số liệu do các cơ quan chức năng trong nước công bố và số liệu từ một số tổ chức quốc tế, theo đó đã thiết kế các bộ dashboard trình diễn dữ liệu và mô hình một số chỉ số kinh tế - xã hội chủ yếu.

Về thành lập Trung tâm An toàn thông tin thành phố

UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Trên cơ sở đề án được phê duyệt sẽ tổ chức thành lập công ty với phần vốn góp của nhà nước chiếm từ 51% trở lên vốn điều lệ, với sự tham gia góp vốn của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh thông tin.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, tổng công ty nhà nước phối hợp thực hiện đề án.

Sau 1 năm triển khai đề án, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, đề án bước đầu đã có những sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND Thành phố, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành.

Bên cạnh đó cần phải có khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai.

Đô thị thông minh phải là hiện thực với người dân

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu một thực tế khi xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là một số sở ngành, tổng công ty nhà nước không hợp tác.

"Nguyên nhân là vì sao? Trong khi đó kho dữ liệu dùng chung phục vụ sự phát triển chung của TP, vậy thì giữ để làm gì? Tôi chưa rõ, đề nghị làm rõ việc này. Cố tình làm khó cho ban điều hành đề án là không chấp nhận được", ông Nguyễn Thành Phong nói. Ông cũng yêu cầu việc này sớm chấm dứt và sẽ thực hiện các biện pháp mạnh nếu tình trạng này còn tiếp diễn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP sớm cung cấp các địa chỉ của các trung tâm và các sở ngành cũng cung cấp dữ liệu để người dân có thể khai thác ngay. Làm sao để đến 23/11 năm nay, tròn 2 năm kể từ khi phê duyệt đề án, đô thị thông minh phải là hiện thực với người dân TP chứ không còn xa lạ nữa.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị sớm đưa vào danh mục một số loại dữ liệu trong một số lĩnh vực như giao thông, y tế… cần cập nhật từ nay đến tháng 10.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đồng thời giao nhiệm vụ sớm vận hành trung tâm mô phỏng, dự báo kinh tế và trong tháng 10/2019 phải trình dự báo tình hình phát triển kinh tế của TPHCM trong khóa này và khóa tới. Các sở ban ngành cũng phải dự báo, về các kịch bản, khả năng gia tăng/kéo giảm ùn tắc giao thông; dự báo về phát triển dân số; đẩy mạnh thực hiện mô phỏng dự báo về tình trạng ngập úng của TP…

“Bản chất của đô thị thông minh là quản lý trên cơ sở dự báo khoa học, chứ không quản lý theo kiểu "ăn xổi" hàng ngày, hàng tháng hoặc hàng năm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.