|
|||
Năm 2018, đánh dấu một năm thành công của chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2020 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì. Đặc biệt là sự thành công của đề tài liên ngành khoa học tự nhiên - xã hội nhân văn "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông". Lần đầu tiên các nhà khoa học của đề tài tìm được di chỉ khảo cổ thời Tiền sử trong hang động núi lửa và tiến hành khai quật tìm thấy di cốt người Tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Phát hiện này đã gây chấn động giới khoa học trong và ngoài nước, rất có giá trị khoa học và thực tiễn. Sự kiện này cũng được bình chọn là một trong các sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu trong chương trình Ấn tượng KH&CN Việt Nam 2018. PGS.TS. Nguyễn Trung Minh – Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã có những trao đổi xoay quanh sự kiện đặc biệt này. PV: Thưa ông, việc Việt Nam phát hiện ra các di cốt của người tiền sử ở Tây Nguyên mở ra những hướng nghiên cứu mới như thế nào cho ngành khảo cổ và nhân chủng học của Việt Nam? - PGS.TS. Nguyễn Trung Minh: Lâu nay, hàng trăm điểm di chỉ khảo cổ tiền sử ở Tây Nguyên đã được khai quật với hàng triệu hiện vật, nhưng chưa nơi nào tìm thấy di cốt người tiền sử nên chưa thể khẳng định chủ nhân của các di tích/ hiện vật này. Di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa ở Krông Nô đã được tìm thấy trong lần khai quật đợt 1 (3 - 4/2018) trong khuôn khổ đề tài KHCN TN17/T06 thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là cơ quan chủ trì. Đây là phát hiện đầu tiên về di cốt của người tiền sử trong hang động núi lửa ở Việt Nam/Đông Nam Á và hiếm gặp trên thế giới. Phát hiện mới này đã bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên và là bước ngoặt cho việc nghiên cứu nhân chủng học/cổ nhân học ở Việt Nam. Kết quả khai quật đã cung cấp các luận cứ khoa học tin cậy để tìm hiểu lịch sử chiếm lĩnh và làm chủ vùng đất núi lửa của cư dân tiền sử, quá trình tiến hóa, phát triển văn hóa các cộng đồng cư dân ở đây, vị trí của cư dân huyệt cư trong mối tương quan với biến động môi trường/biến đổi khí hậu, trong giao lưu và hội nhập với các nền văn hóa khác ở Tây Nguyên và lân cận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các nghiên cứu chuyên sâu liên ngành, phân tích thạch học công cụ đá, thành phần thạch học theo mặt cắt hố khai quật, thành phần và nguồn gốc vật chất trầm tích, tuổi thành tạo hang, phân tích AND người, giám định thành phần chủng tộc, làm rõ chủ nhân các nền văn hóa cổ nơi đây, đi sâu phân tích so sánh với các nền văn hóa khác ở Tây Nguyên, phác dựng quá khứ xa xưa cũng như môi trường cổ địa lý của cư dân tiền sử trên đất Đắk Nông, tái hiện sinh cảnh người Tiền sử trong hang động núi lửa… để phục vụ công tác bảo tồn và khai thác phát triển du lịch. Dựa trên các di tích về bếp lửa, hố rác bếp và hệ thống các hiện vật (công cụ đá/xương mài, mảnh tước, xương răng động vật, nhuyễn thể,…) khai quật được, chúng tôi sẽ tái hiện sinh cảnh của người tiền sử trong hang C6-1 bằng các mô hình thật với tỷ lệ 1/1 để phục vụ bảo tồn và khai thác du lịch, ví dụ như: cảnh sinh hoạt quanh bếp lửa của người Tiền sử/hay cảnh chế tác công cụ của người Tiền sử/hay cách thức mai táng người tiền sử… PV: Xin PGS cho biết về kế hoạch nghiên cứu chi tiết để phục dựng, tái hiện môi trường sinh cảnh của người Tiền sử trong hang động, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại chỗ để khai thác du lịch, phát triển bền vững kinh tế xã hội? - Việc nghiên cứu, xây dựng Bảo tàng ngoài trời và Bảo tồn di tích tại chỗ ở hang động nhằm mục đích bảo vệ bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị di sản cho phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đây là những điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn, thu hút khách thăm quan, đem lại những lợi ích rõ rệt về kinh tế song hành cùng các giá trị thám hiểm, khám phá, trải nghiệm, giải trí, thưởng ngoạn và giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững Tây Nguyên của Chương trình Tây Nguyên, bao gồm 3 cực: Bền vững về tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có hiệu quả và hàm lượng tri thức cao, thu hút được đầu tư doanh nghiệp; Bền vững về quản lý tài nguyên hạn chế suy thoái môi trường bằng các công nghệ hiện đại; Bền vững về quản lý xã hội, tăng lao động, việc làm duy trì bản sắc văn hóa dân tộc bằng các chủ trương chính sách, mô hình tổ chức xã hội phù hợp quy luật khách quan.
Các nhà khoa học tiến hành khai quật hang C6-1 (Ảnh: Diệu Huyền) PV: PGS.TS. có thể cho biết ý nghĩa của việc phát hiện này trong bộ hồ sơ Công viên Địa chất mà tỉnh Đắk Nông trình UNESCO thẩm định công nhận công viên địa chất toàn cầu? - Phải nói rằng hang động núi lửa ở Krông Nô đã được chúng tôi phát hiện (2007) và những di sản địa chất liên quan đến hoạt động núi lửa đã được chúng tôi xác lập là nội dung di sản chủ yếu của công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông (KVG). Trong đó di chỉ khảo cổ có di cốt người Tiền sử trong hang động là điểm nhấn đặc biệt và cực kỳ quan trọng cả về giá trị khoa học và khai thác du lịch của KVG. Cũng cần nói thêm rằng, đề tài KH&CN TN17/T06 thuộc Chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế”, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã xác lập quần thể hang động núi lửa ở đây là di sản kép/di sản hỗn hợp, bao gồm di sản thiên nhiên (di sản địa chất và đa dạng sinh học) và di sản Văn hóa (di chỉ khảo cổ tiền sử). Các giá trị di sản này rất có giá trị cho nghiên cứu khoa học liên ngành và thực tiễn khai thác du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Kết quả phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa ở Krông Nô đã được chúng tôi tích hợp trong hồ sơ khoa học của KVG để tỉnh ĐắK Nông trình UNESCO thẩm định công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Cho đến nay, Việt nam mới chỉ có 2 địa danh là cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010 và công việc địa chất Non Nước Cao Bằng được công nhận năm 2018. Việc phát hiện này trong bộ hồ sơ công viên địa chất mà tỉnh Đăk Nông trình UNESCO thẩm định công nhận công viên địa chất toàn cầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó không chỉ có ý nghĩa địa chất mà còn có giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử hay văn hóa. Điều này tác động trực tiếp lên khu vực bởi sự cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường nông thôn, như vậy nó tăng cường nhận dạng dân số với khu vực và tạo nên sự phục hồi văn hóa. PV: Xin cảm ơn ông! Bài: Diệu Huyền Ảnh: Trung Hiền
|