Bản in
Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM?
Các doanh nghiệp lớn, startup và con người sáng tạo sẽ là những nhân tố kiến tạo để Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM sớm trở thành hiện thực.

 Khu đô thị sáng tạo TP.HCM tại Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức được TP.HCM chủ trương phát triển từ năm 2018 với ba trụ cột là ĐH Quốc gia TP.HCM - Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây được xem là khu đô thị có hoạt động sáng tạo với cường độ cao, có cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ cho hoạt động này.

Nhân dịp đầu năm mới, Tạp chí Khám phá đã ghi nhận những kì vọng của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý với Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM.

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 2

Khu đô thị sáng tạo không thể thiếu các doanh nghiệp lớn tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp. Đối tượng này có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng và dẫn dắt cuộc chơi.

Khu đô thị sáng tạo TP.HCM với 3 trụ cột là ĐH Quốc gia (Quận Thủ Đức), Khu công nghệ cao (Quận 9) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Đây là nơi có thể tạo ra môi trường sống lý tưởng với đầy đủ cơ sở vật chất hạ tầng, từ các dịch vụ giải trí, nhà ở, mua sắm tại Khu đô thị Thủ Thiêm, nhân sự chất lượng cao với ĐH Quốc gia TP.HCM và kết nối doanh nghiệp công nghệ cao của Khu công nghệ cao.

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 3

Lê Hoàng Nhật, CEO Ami (phải) trong một buổi giới thiệu sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp mình tại chương trình Hội thảo về Khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM tổ chức tại ĐH Quốc gia TP.HCM.

Có thể nói, trong tương lai, khu đô thị sáng tạo là một môi trường sống lý tưởng của các doanh nhân. Vì thế, doanh nhân tham gia vào Khu đô thị sáng tạo có thể tạo ra một lực đẩy rất lớn giúp cộng đồng startup có thêm những đối tác trong việc phát triển dự án.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động khởi nghiệp chưa nhận sự tham gia sâu từ những doanh nghiệp lớn. Muốn làm được điều đó thiết nghĩ nhà nước cần phải phát huy vai trò của mình trong việc tạo ra các cơ chế thu hút doanh nghiệp lớn tham gia vào khu đô thị sáng tạo.

Nhà nước có thể xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, cơ sở hạ tầng… để tạo ra những sự hấp dẫn cần thiết thúc đẩy các doanh nghiệp lớn tham gia. Mặt khác, cộng đồng trong khu đô thị cũng sẽ tạo ra môi trường mở, và đủ hấp dẫn bằng các hoạt động sáng tạo cường độ cao.

Lê Hoàng Nhật, CEO startup công nghệ AMI

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 4

Khu đô thị sáng tạo là một mô hình lý tưởng để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Theo tôi, mô hình này muốn thành công, hai nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất chính là con người và giao thông.

Con người chính là nhân tố để duy trì ''sự sống'' cho khu đô thị sáng tạo. Và con người cũng chính là đối tượng tạo ra sân chơi, xây dựng và phát triển sân chơi. Lợi thế của Khu đô thị sáng tạo là ĐH Quốc gia TP.HCM với hàng chục ngàn sinh viên. Đây có thể xem là những hạt mầm sáng tạo, khởi nghiệp và có thể đóng góp cho sự phát triển con người trong tương lai.

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 5

Th.s Nguyễn Thị Hà Thanh (trái) cho rằng, con người và giao thông là hai yếu tố quan trọng nhất của Khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng của đô thị sáng tạo là vấn đề về giao thông. Có lần, tôi tham gia một khóa đào tạo ở ĐH Quốc gia TP.HCM taxi tìm đường rất khó và tốn khá nhiều thời gian để đến địa điểm. Có khi, đặt taxi công nghệ lên khu ĐH Quốc gia TP.HCM họ hủy chuyến liên tục vì ngại phải tìm đường.

Trong tương lai, khi tuyến Metro của TP.HCM sẽ hoàn thành, rất có thể sẽ giải quyết vấn đề về giao thông, nối trung tâm thành phố và khu đông TP.HCM.

Khu đô thị sáng tạo với ba trụ cột là ĐH Quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao và Khu đô thị Thủ Thiêm. Cả ba khu này cần phải đầu tư hệ thống giao thông để có thể giao lưu, kết nối sâu với nhau. Với hạ tầng giao thông hiện tại thì dù cả ba nhân tố có phát triển mạnh đến đâu mà không có sự kết nối sâu rộng thì khu đô thị sáng tạo khó mà đạt được mục tiêu.

(Th.s Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc trung tâm sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp, ĐH Nguyễn Tất Thành)

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 6

Khu đô thị sáng tạo phía Đông thể hiện khát vọng tạo dựng một vực giàu sức sáng tạo của TP.HCM. Và để tạo dựng khu đô thị này phát triển đúng hướng cần phải có một bản kế hoạch tổng thể. Chúng ta khát vọng một mục tiêu lớn nhưng cần phải chia thành những mục tiêu nhỏ để thực hiện.

Những mục tiêu nhỏ này cần phải được công bố cho cộng đồng để họ có thể đóng góp được gì, làm được gì cho Khu đô thị sáng tạo này. Khu đô thị sáng tạo cần có mục tiêu rõ ràng và kế hoạch dài hạn chứ không phải ngày một ngày hai.

Ai sẽ là “đầu tàu” cho Khu đô thị sáng tạo TP.HCM? - 7

Th.s Vũ Tuấn Anh coi trọng về kế hoạch chi tiết và phân định vai trò của mỗi bên trong việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM.

Kế hoạch tổng thể cần phân định rõ vai trò mỗi bên như nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng,…Theo tôi, trụ cột của Khu đô thị sáng tạo phía đông phải là khối tư nhân. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, xây dựng chính sách để khu đô thị sáng tạo phát triển. Vì với khối tư nhân, nguồn lực giải ngân tài chính và thực thi cực nhanh nếu họ nhìn thấy hiệu quả khi tham gia một chương trình nào. Điều đó, sẽ thúc đẩy Khu đô thị sáng tạo phía đông phát triển nhanh.

Muốn xây dựng khu đô thị sáng tạo chúng ta cần phải có đội ngũ những con người sáng tạo nhất của các bên. Do vậy hoạt động đào tạo kiến thức đổi mới sáng tạo cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa trong việc tạo ra một nhóm cộng đồng, hay rộng hơn là cả xã hội sáng tạo để cùng chung tay kiến tạo nó.

(Th.s Vũ Tuấn Anh, Giảng viên Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan)