|
|||
Đó là những vấn đề được các nhà báo, phóng viên quan tâm, đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ Quý IV/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ, sáng ngày 18/01/2019, tại Hà Nội.
Xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật về KH&CN
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đã tóm tắt các kết quả hoạt động của Bộ trong Quý IV/2018 và những hoạt động chính của Bộ trong Quý I/2019. Theo đó, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”;
Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Quyết định số 1594/QĐ-TTg ngày 16/11/2018 về việc thành lập Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về năng lượng nguyên tử; Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 19/12/2018 về quy chế hoạt động của Khu Công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai; Nghị quyết số 155/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về Hợp tác KH, CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST);…
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định số 2926/QĐ-BKHCN ngày 05/10/2018 Ban hành Kế hoạch của Bộ KH&CN thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03/12/2018 Ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0; Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2017 về cải cách chính sách tiền lương;…
Trong Quý IV, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Trình diễn kết nối cung - cầu công nghệ quốc tế năm 2018; Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; TECHFEST Việt Nam 2018; Hội nghị trực tuyến tổng kết toàn quốc và Triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ký kết Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Xinova về hợp tác thành lập, quản lý và vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN; Ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Ericsson về hợp tác thiết lập Trung Tâm đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub);…
Cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành, ông Đỗ Hồng Giang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, theo quy định, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN hiện có 08 ngành nghề với 121 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực KH&CN thuộc các lĩnh vực: sở hữu trí tuệ với 21 điều kiện; tiêu chuẩn đo lường chất lượng với 82 điều kiện; năng lượng nguyên tử với 18 điều kiện.
Bộ KH&CN đã rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ với tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc 05 Nghị định: Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ).
“Trong các Nghị định về điều kiện kinh doanh có 85 điều kiện kinh doanh. Ngày 09/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Theo Nghị định 154, Bộ đã cắt giảm được 51/85 điều kiện kinh doanh, đạt tỉ lệ 56%. Việc cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Hiện Bộ KH&CN đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năng lượng nguyên tử, Luật Sở hữu trí tuệ”, ông Đỗ Hồng Giang nhấn mạnh.
7h25 (giờ Hà Nội) ngày 18/01/2019, vệ tinh MicroDragon (50 kg) do các kỹ sư của Việt Nam thiết kế, chế tạo cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản đã được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Khoảng 8h55, vệ tinh của Việt Nam đã được tách ra thành công ở độ cao 511 km, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.
"Sự kiện phóng vệ tinh nằm trong khung khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Việt Nam đã gửi cán bộ sang Nhật Bản học tập, nghiên cứu, thiết kế. Đây là sự kiện rất đáng khích lệ. Về sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, đây là nhiệm kỳ thứ hai trong chương trình khoa học công nghệ của Chính phủ, trong chương trình này đã nghiên cứu nhiều đề tài khác nhau, lĩnh vực khác nhau trong khoa học vũ trụ để hỗ trợ Việt Nam khởi động ngành công nghiệp vũ trụ", ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ trong buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết thêm: "Chương trình phát triển vũ trụ là chương trình khoa học công nghệ từ đầu tư, xây dựng cơ sở để nghiên cứu phát triển công nghệ vũ trụ đến đào tạo chuyên gia, kỹ sư trong đó có vụ phóng vệ tinh. Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì chương trình, để thực hiện chiến lược phát triển khoa học vũ trụ giai đoạn 2011-2020. Nội dung triển khai này góp phần đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển về vũ trụ, về viễn thám cho Việt Nam. Sự kiện phóng thành công tên lửa mang theo vệ tinh này cho thấy, khi Việt Nam phối hợp với các quốc gia hàng đầu trên thế giới về công nghệ vũ trụ thì chúng ta đang từng bước làm chủ, học hỏi và tiến tới là tự phát triển vệ tinh của riêng mình".
Theo ông Lê Xuân Định – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ KH&CN đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Bộ đã xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sẽ tập trung triển khai năm 2019.
Thứ nhất, khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp. Cụ thể, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về phát huy Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hoạt động ĐMST, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; Hoàn thiện hệ thống thể chế để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ; Thu hút chọn lọc, có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong tình hình mới;…
Thứ hai, triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, định hướng đến 2025; Triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, làm cơ sở nhân rộng các kết quả ra khối doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa"; Triển khai một số phòng thử nghiệm công nghệ (testlab) về trí tuệ nhân tạo, IoT, sóng não.
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thứ tư, rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Cuối cùng, quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Tại buổi Họp báo, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí thời gian qua đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN trong việc chia sẻ những quan điểm lớn, góp phần thúc đẩy KH&CN đi vào cuộc sống. Thứ trưởng cũng đã chia sẻ một số hoạt động trọng tâm của Bộ năm 2019 và mong muốn năm 2019 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan thông tấn báo chí nhằm chuyển tải rộng rãi các thông tin KH&CN, kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, hoạt động của Bộ KH&CN,… tới xã hội, công chúng để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống.
Bài: N. Hạnh, Ảnh: N.Hiệp
|