|
|||
Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy đối với công tác xuất bản tại Hội nghị Công tác xuất bản sách KH&CN do Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật tổ chức chiều ngày 7/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác xuất bản trong giai đoạn hiện nay có nhiều thay đổi, phải đối mặt với nhiều thách thức. So với 20 năm trước, thị trường sách chủ yếu là ấn phẩm in giấy, không có nhiều ấn phẩm điện tử thì hiện nay, sách in phải chịu sự cạnh tranh mạnh của sách điện tử. Xuất bản phẩm bị sao chép (sách lậu) và bán với giá rẻ hơn giá của các nhà xuất bản khiến cho sách của nhà xuất bản bị tồn đọng, khó thu hồi được vốn để tái sản xuất. Do đó, để tìm hướng đi trong thời gian tới, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cần phải nâng cao chất lượng xuất bản, đẩy mạnh việc xuất bản các sản phẩm điện tử, tạo ra những tác phẩm thực sự sát với nhu cầu của độc giả.
Ông Võ Tuấn Hải báo cáo công tác xuất bản năm 2018 của NXB KH&KT Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng bày tỏ mong muốn, thông qua hội nghị này, Nhà xuất bản sẽ thu thập ý kiến đóng góp của các tác giả, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và cộng tác viên tâm huyết với công tác xuất bản để nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó hoàn thiện dịch vụ và đề xuất phương án xuất bản và phát hành mới. Báo cáo tại Hội nghị, ông Võ Tuấn Hải - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cho biết: Trong thời gian qua, bên cạnh những khó khăn chung của đất nước như thiên tai, dịch bệnh, ngành xuất bản còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhu cầu về văn hóa đọc của xã hội ngày càng cao và đa dạng. Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nhà xuất bản, giữa xuất bản sách với các phương tiện truyền thông khác v.v... Với tinh thần “phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn”, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã có nhiều đổi mới, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xuất bản sách khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Nhà xuất bản đã cố gắng thích ứng hơn với cơ chế thị trường và có bước phát triển đáng kể trong đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng sách cả về nội dung và hình thức, cung cấp cho xã hội khối lượng thông tin kiến thức lớn về KH&CN. Hoạt động xuất bản đã góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN; nâng cao dân trí, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Các ấn phẩm của Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham luận về các nội dung như: Ngành xuất bản với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Xuất bản điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề thị trường xuất bản; Đề tài sách về “công nghệ cao” với xuất bản hiện nay; Nâng cao chất lượng biên tập xuất bản sách khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay. Đa số các ý kiến cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều thay đổi trong các lĩnh vực của đời sống mà trong đó ngành xuất bản cũng không ngoại lệ. Những thói quen mới của độc giả như mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook (sách điện tử) và vrbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các nhà xuất bản phải tìm ra hướng phát triển cho mình nếu không muốn bị tụt hậu. Theo các chuyên gia, một thực tế không thể phủ nhận là sách in không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước. Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản. Thực tế không chỉ riêng tại Việt Nam, xuất bản điện tử nói riêng và ngành xuất bản nói chung của nhiều quốc gia trên thế giới dù gặt hái được khá nhiều thành công nhưng vẫn đang phải đối mặt với không ít sức ép. Thay vì đọc sách để giải trí và nâng cao kiến thức, không ít người dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, trò chơi trực tuyến hay phim ảnh. Một nguyên nhân khác khiến nhiều người thờ ơ với sách chính là sự hiện diện của quá nhiều các trang điểm sách, tóm tắt sách hay từ điển mạng như Wikipedia hay Goodread (Đọc hay). Trước những xu thế thay đổi chung đó, nhiều ý kiến cho rằng, các nhà xuất bản trong đó có Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cần phải đầu tư công sức, tâm huyết, kinh phí cho công tác xuất bản, nâng cao hơn nữa chất lượng cả về nội dung và hình thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để xuất bản những cuốn sách phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi khác nhau, mở rộng thêm lĩnh vực, phân khúc thị trường rõ ràng, đưa sách xuất bản giới thiệu trên các trang mạng để độc giả tra cứu được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật cần xây dựng một thương hiệu, tạo sự khác biệt so với các nhà xuất bản khác, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản khác để thu hút nguồn lực cũng như tăng cường sức mạnh... Đây sẽ là những gợi ý, định hướng quan trọng giúp Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật nâng cao chất lượng dịch vụ và đề xuất phương án xuất bản, phát hành mới. Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật có sứ mệnh xuất bản những sản phẩm chất lượng cao theo định hướng phát triển của Bộ KH&CN, xuất bản và phổ biến rộng rãi kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, tài liệu mới, kiến thức cơ bản phục vụ đông đảo nhiều đối tượng độc giả… Trong năm qua, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị, thiết thực phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và phổ biến kiến thức KH&CN góp phần nâng cao dân trí . Hội nghị Công tác xuất bản sách KH&CN là cơ hội giúp Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hiện, tiếp cận và thu hút nguồn nhận lực là các cộng tác viên tiềm năng cũng như thuyết phục những cộng tác viên khác đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ. Ngoài ra, Hội nghị còn góp phần quảng bá cho hoạt động xuất bản nhằm xây dựng một nền tài chính vững mạnh cho Nhà xuất bản./. Tin, ảnh: Đăng Minh – Văn Nguyên
|