|
|||
Nhận định được đưa ra tại tọa đàm “Ứng dụng Công nghệ thông tin để đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp” tổ chức tại Hải Phòng sáng 20/11/2018. Đây là một trong các hoat động trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” 2018 (Techfest 2018), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiểu đơn thuần việc ứng dụng công nghệ thông tin là lỗi thời Buổi tọa đàm có sự tham gia của 50 bạn thanh niên, sinh viên là thành viên chính thức của đoàn Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi - những chủ dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng lãnh đạo đại diện các Quận, Huyện đoàn, Đoàn trực thuộc; các doanh nhân trẻ là hội viên Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng. Và đặc biệt là sự có mặt của trên 200 bạn thanh niên, sinh viên – là những người đã và đang có dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tại Tọa đàm, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng cho biết, nhận thức rõ xu thế và tiềm năng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày 05/6/2017, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 1394/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng đến năm 2020 và xác định nhiều nội dung, giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm khuyến khích, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Hải Phòng. Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là đối với những người trẻ tại Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ, đã và đang nhận được sự ủng hộ của xã hội. Từ những kinh nghiệm quản trị và điều hành doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Tuấn, Tổng giám đốc cty cổ phần đào tạo HPM nhận định: nếu chỉ hiểu đơn thuần việc ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp thì đây là giải pháp đã lỗi thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) bao gồm tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, Big Data… Đây là cuộc chơi của công nghệ, của những người làm chủ tri thức, nắm bắt được thế mạnh của công nghệ. Chính vì vậy, việc vận hành, quản trị doanh nghiệp sẽ khác rất nhiều lối mòn truyền thống. Công nghệ sẽ nâng cao chất lượng cạnh tranh hành hóa, giải phóng sức lao động, sáng tạo không giới hạn các sản phẩm dịch vụ, hành hóa…
Toàn cảnh tọa đàm Điều này cũng được ông Điền Văn Giáp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Machinex Việt Nam cũng nhấn mạnh: từ những ứng dụng mang tính đột phá của công nghệ 4.0, cách cách khởi nghiệp theo truyền thống đã rất lỗi thời, khiến doanh nghiệp rất mất thời gian. Trong bối cảnh công nghệ phát triển thì điều kiện phát triển như vậy là lạc hậu. Và rõ ràng, thế mạnh cạnh tranh đã bị hạn chế đáng kể. Từ câu chuyện thực tế từ sự phát triển của doanh nghiệp mình, khởi nghiệp cách đây 17 năm nhưng chỉ thành công cách đây 4 năm khi đưa công nghệ vào trong điều hành sản xuất, ông Giáp đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Ứng dụng công nghệ thông tin nói riêng và công nghệ nói chung vào vận hành doanh nghiệp thực sự là rất quan trọng, thậm chí là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp đi sau, họ cần tìm ra điểm khác biệt, cần có ưu thế khác biệt mới tạo ra sức cạnh tranh với đối thủ. Và để làm được điều này, không có cách nào nhanh và tối ưu nhất đó chính là công nghệ. Cá nhanh nuốt cá chậm Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng đã trích dẫn câu nói của một chuyên gia về tầm quan trọng của công nghệ mà bản thân rất tâm đắc: nếu như trước đây, trong nền kinh tế thị trường người ta có câu “cá lớn nuốt cá bé” thì với thời đại khoa học và công nghệ bùng nổ, người ta có câu “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ông Tuấn nhấn mạnh lại, muốn nhanh phải có công nghệ. Trước lo lắng của nhiều starup về chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng lưu trữ, chất lượng dữ liệu… các diễn giả tại tọa đàm cũng đưa ra lời khuyên: trong kinh doanh vấn đề chiến lược rất quan trọng, bao gồm cả bối cảnh khách quan và chủ quan. Trước khi quyết định đưa sản phẩm công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao ra thị trường phải tính toán hoàn cảnh khách quan đã phù hợp với sản phẩm của mình hay chưa? Khi hạ tầng chưa sẵn sang thì rất khó triển khai phát triển sản phẩm đại trà, dù đó là công nghệ nào đi chăng nữa. Các diễn giả cũng cho rằng, đây là những thắc mắc rất đáng lưu tâm, đặc biệt dành cho các nhà quản lý để có những chính sách hỗ trợ ứng dụng, phát triển công nghệ cao. Một kinh nghiệm nữa cũng được các diễn giả chia sẻ đó là sự liên kế để tạo ra sức mạnh về sản xuất, truyền thông, marketing… “Nếu đi mộ mình, bạn sẽ đi nhanh nhưng đi cùng nhiều người, bạn sẽ đi xa”. Bên cạnh đó, ngay tại buổi tọa đàm, các vướng mắc cụ thể của một số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được các diễn giả giải đáp và cam kết đồng hành cùng hợp tác. Một số starup cũng giới thiệu mô hình kinh doanh của mình trong buổi tọa đàm và nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp… Điều này đã phần nào đúng với mục tiêu của Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia Hành trình có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; Tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chụp ảnh lưu niệm giữa các diễn giả, đoàn Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018
Bài và ảnh: Minh Châu
|