|
|||
Diễn đàn do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chính thức khai mạc tại Hà Nội vào ngày 9/11. Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, bà Helen Clark - nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP, Ông Stephen P. Groff - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và gần 500 đại biểu là lãnh đạo, cựu lãnh đạo của các quốc gia, lãnh đạo tập đoàn và các tổ chức quốc tế, học giả, nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Diễn đàn Hà Nội là một sáng kiến của ĐHQGHN, ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế.
Các đại biểu, nhà khoa học tham dự Diễn đàn Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: ĐHQGHN luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan: chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp... cho đến từng người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững và sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra hết sức phức tạp, khôn lường và tác động mạnh mẽ đến sự ổn định kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về BĐKH. Thứ trưởng nhấn mạnh, tác động tiêu cực của BĐKH đến từng gia đình, không phân biệt dân tộc. Do đó mỗi khu vực, mỗi quốc gia không thể giải quyết được, mà đòi hỏi sự chung tay, tham gia của các bên liên quan. Thứ trưởng tin tưởng Diễn đàn Hà Nội 2018 sẽ mang lại những kết quả quan trọng trong ứng phó và thích nghi với những thách thức khí hậu, hướng tới phát triển bền vững đồng thời hy vọng thông qua Diễn đàn sẽ gợi mở những giải pháp về vấn đề truyền thông cho cộng đồng để mỗi người dân có ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Các diễn giả báo cáo tham luận tại Phiên toàn thể Sau phiên toàn thể, ngày 10/11, năm tiểu ban chuyên môn của Diễn đàn sẽ thảo luận về 5 vấn đề: bằng chứng về BĐKH và an ninh; tác động của con người lên BĐKH; ứng phó với BĐKH; chính sách và quản trị về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững; khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở Đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Diễn đàn Hà Nội bế mạc vào chiều 10/11. Tin, ảnh: Huyền Minh
|