|
|||
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và hơn 1.200 đại biểu là chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong, ngoài nước. Cần tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT Các ý kiến chuyên gia tại Hội thảo đều tập trung : muốn phát triển Smart IoT tại Việt Nam, việc đầu tiên là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách trong phát triển IoT. Tuy nhiên, cách tiếp cận IoT chỉ đơn thuần là công nghệ vẫn chưa đầy đủ và toàn diện, các doanh nghiệp cần định hình rõ quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ nhằm giúp thay đổi chính sách và cuộc sống người dân. Dưới góc độ công nghệ, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh. Đây cũng là ý kiến phát biểu tại hội thảo của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT. Cần quan niệm IoT là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ. Dưới góc độ quốc gia, IoT phải thúc đẩy nâng cấp mạnh mẽ các ngành sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia và xây dựng xã hội thông minh. Theo cách tiếp cận này, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, Việt Nam cần phải sớm xây dựng, triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng khác trong nền kinh tế quốc dân; đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin và tự động hóa, trọng tâm là trong các ngành công nghiệp chế tạo. Chúng ta cần có chính sách thúc đẩy sản xuất kỹ thuật số bằng cách tăng năng lực số hóa, kết nối các sản phẩm, chuỗi giá trị và các mô hình kinh doanh; thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tiến hành số hóa theo từng công đoạn, liên kết số trong tiêu thụ sản phẩm, cung cấp kiến thức, thông tin, các công cụ cần thiết để chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng chỉ ra rằng, một trong những vấn đề then chốt trong phát triển IoT là phải đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng. Sự phát triển IoT đặt ra yêu cầu tiếp cận mới về an toàn dữ liệu khi các thiết bị kết nối với nhau rộng khắp, các thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, liên quan đến cả nền công nghiệp, từ nhà chế tạo chíp, nhà sản xuất thiết bị đến những nhà cung cấp dịch vụ trên mạng.
Các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm về ứng dụng IoT Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: thuận lợi lớn nhất của Việt Nam trong phát triển IoT là có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Được biết, về nền tảng kết nối cho IoT, theo chiến lược của Việt Nam đến năm 2020, cơ bản mỗi hộ gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smartphone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước. Khi đó, Việt Nam sẽ là một trong số ít nước đảm bảo tốt cho hạ tầng kết nối IoT. Đặt ra hàng loạt thách thức đối với doanh nghiệp và xã hội Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, IoT được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế - xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, du lịch... Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng khuyến cáo, về mặt thực chất IoT vẫn còn đang ở giai đoạn tiếp tục phát triển hoàn thiện, và còn nhiều vấn đề, thách thức cần phải được nghiên cứu giải quyết để tham gia ứng dụng sâu rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các thách thức được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chỉ ra đó là các vấn đề kỹ thuật, bao gồm khả năng tương tác và khả năng mở rộng vì hàng tỷ thiết bị không đồng nhất sẽ được các nối; các vấn đề về hiệu quả tiêu hao năng lượng; quản lý, xử lý, phân tích dữ liệu lớn; đảm bảo an ninh thông tin; tích hợp các kiến thức nghiên cứu chuyên sâu của các ngành, lĩnh vực khác nhau như tài nguyên môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông… Theo hướng này, IoT cũng đặt ra hàng loạt thách thức đối với doanh nghiệp và xã hội về phát triển các mô hình kinh doanh IoT, về pháp lý và đạo đức, quyền riêng tư về thu thập dữ liệu. Với nhiều tiềm năng cũng như thách thức của IoT, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang có những nghiên cứu một cách tổng thể, từ đó ban hành các chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển tiềm năng của công nghệ này. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, đối với doanh nghiệp, để có thể tận dụng được cơ hội từ IoT cần kết hợp nghiên cứu, phát triển với điều kiện thị trường và phản hồi của người tiêu dùng. Làm được điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm IoT có giá trị cao nhanh chóng đi vào cuộc sống. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thông tin thêm, tại Việt Nam, các ứng dụng gần với IoT đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong một thời gian dài dưới các hình thức tự động hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động… Các công nghệ nền tảng của IoT như mạng thế hệ mới, IPv6, truyền thông không dây, công nghệ nano và cảm biến, lưu trữ và tính toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn, bảo mật thông tin và lưu trữ năng lượng cũng đã có một quá trình được đầu tư nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng. Các công ty lớn ở Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai, ứng dụng IoT như VNPT, Vingroup… cũng đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp với công nghệ IoT được hình thành và có những thành công bước đầu như Hachi, ArgiMedia…
Quang cảnh Hội thảo Smart IoT Việt Nam Gần đây, để tập trung hơn nữa cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ IoT, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích phát triển, trong đó đã bổ sung IoT và Danh mục công nghệ; Modun, thiết bị, phần mềm, giải pháp tích hợp IoT vào Danh mục sản phẩm. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp khi sản xuất sản phẩm IoT, ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất sẽ được nhận những ưu đãi cao nhất của Nhà nước theo pháp luật về công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành và đang tổ chức thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó phát triển, ứng dụng công nghệ IoT là một trong những mục tiêu chính của Chương trình.
Bài, ảnh: Quỳnh Trang |