|
|||
Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý và chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Xây dựng, Đại học giao thông, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Việt Nhật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông,….với nhiều giáo sư đầu ngành, các chuyên gia trong các lĩnh vực KTCN và quản lý giáo dục, các cơ quan báo chí. CMCN4.0 – khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp Phát biểu tại Hội thảo, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cuộc CMCN 4.0 được tạo nên bởi sự hội tụ của các công nghệ mới như: IoT – Internet kết nối vạn vật, công nghệ số hóa, điện toán đám mây,… trong đó có những thành tựu về công nghệ nano, khoa học về vật liệu tiên tiến, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử,…Tuy nhiên, GS Đức nhấn mạnh đến 03 cốt lõi quan trọng nhất của CMCN 4.0 là công nghệ thông tin (CNTT) – Trí tuệ nhân tạo và Tự động hóa. Đánh giá những tác động của CMCN 4.0 đối với Việt Nam, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức cho rằng, đối với các nhà sản xuất, các công nghệ mới, tiên tiến sẽ giúp tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới tăng, tăng hiệu quả năng suất, thúc đẩy sáng tạo và phát triển nền công nghiệp dài hạn; các hoạt động như tiêu dùng, sử dụng dịch vụ cơ bản “có thể thực hiện từ xa”, trong đó người tiêu dùng được tiếp cận thông tin sản phẩm minh bạch hơn do áp lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất. Đồng thời, CMCN 4.0 đem lại cơ hội lớn trong việc chia sẻ nguồn lực, có thể thực hiện hình thức “uber” trong giáo dục, đào tạo và KH&CN. Đề cập đến hoạt động đào tạo và nghiên cứu các ngành KTCN của Việt Nam trước CMCN 4.0, GS Đức cho rằng, cần có sự thay đổi trong triết lý đào tạo và cơ cấu lại các chương trình đào tạo, ngoài kiến thức nền tảng, chuyên ngành, kỹ năng mềm. Các chương trình đào tạo phải trang bị cho người học tầm nhìn, kỹ năng thu thập, kiểm soát thông tin, khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp,… “Đặc biệt trong các lĩnh vực KTCN, Việt Nam cần nghiên cứu các mô hình đào tạo để đổi mới và cấu trúc lại. Chương trình đào tạo cần có các kiến thức liên ngành về toán học, vật lý, cơ học cộng thêm với nền tảng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phát triển bền vững – có thể là một trong những giải pháp phù hợp đáp ứng nguôn nhân lực của tương lai” GS Đức phân tích. Theo Ban tổ chức, CMCN4.0 sẽ đem đến những thay đổi mang tính đột phá trên mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh trong xã hội Việt Nam. Các đơn vị đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) với vai trò là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho các hoạt động sản xuất và nghiên cứu, và cũng là nơi thực hiện những nghiên cứu tiên phong cho đất nước, sẽ cần có nhận thức và nhanh chóng thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu của mình. Mô hình đại học trong cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi, ngoài kiến thức nền tảng, kiến thức của ngành và chuyên ngành, ngoại ngữ, CNTT và kỹ năng mềm như hiện nay, chương trình đào tạo phải trang bị được cho người học tầm nhìn, kỹ năng thu thập, xử lý và kiểm soát thông tin, có khát vọng đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp ... Bên cạnh đó, không chỉ là giáo dục khai phóng, chúng ta còn phải tích hợp và có định hướng đào tạo STEM trong các khối ngành kỹ thuật-công nghệ và phát triển bền vững. STEM cung cấp các hành trang cho nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kỹ thuật, và tư duy của phát triển bền vững trang bị tầm nhìn cho người học. Đào tạo tài năng, chất lượng cao theo xu hướng cá thể hóa đang là xu thế của CMCN 4.0.
PGS.TS. Hoàng Minh Sơn trình bày nguy cơ, thách thức cũng như cơ hội từ CMCN 4.0. Gắn nghiên cứu với phát triển sản phẩm Đánh giá tác động của CMCN 4.0 trong nghiên cứu, đào tạo, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: sự phát triển tập trung vào một số công nghệ lõi của CMCN 4.0 và sự phát triển nhanh chóng các lĩnh vực ứng dụng đã đặt ra yêu cầu bức thiết đối với các trường đại học về đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và định hướng phát triển KH&CN. Đối với hoạt động đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo sẽ buộc phải thay đổi theo hướng liên ngành, tập trung ưu tiên vào một số lĩnh vực khoa học kỹ thuật nền tảng cũng như công nghệ lõi. Nội dung chương trình đào tạo sẽ phải phát triển theo định hướng kiến thức cơ bản ngành rộng, môn học tích hợp, đề cao năng lực sáng tạo và năng lực thích ứng. Phương thức đào tạo sẽ thay đổi theo hướng lấy việc học (thay vì việc dạy) làm trọng tâm, cá nhân học quá trình học, đa dạng hóa phương thức học với việc tăng cường học trực tuyến, học qua trải nghiệm với môi trường và thiết bị ảo. Về tác động đối với nghiên cứu khoa học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng: các lĩnh vực nghiên cứu cần được ưu tiên tập trung vào phát triển các công nghệ lõi, và ứng dụng các công nghệ lõi trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế - xã hội. Các dạng nhiệm vụ nghiên cứu cần được xây dựng dưới dạng các chương trình liên ngành. Nhu cầu và kinh phí nghiên cứu cần tăng mạnh do yêu cầu đối mới sáng tạo và chu trình sản phẩm ngắn. Phương thức tổ chức nghiên cứu cần có sự hợp tác hiệu quả của các nhóm nghiên cứu liên ngành từ nhiều trường, gắn chặt nghiên cứu với đào tạo sau đại học và đào tạo chất lượng cao, gắn nghiên cứu với phát triển sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Cùng với những thách thức, CMCN 4.0 cũng mang lại cơ hội lớn cho các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực, các kết quả nghiên cứu chất lượng cao không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn cho thị trường khu vực và quốc tế. “Từng sản phẩm nghiên cứu mới, từng sản phẩm sáng tạo công nghệ cũng có khả năng gây ảnh hưởng tới phạm vi toàn cầu, đem lại hiệu quả kinh tế cao” PGS.TS Hoàng Minh Sơn chia sẻ. Bên cạnh việc giới thiệu những đặc trưng của cuộc CMCN 4.0, thách thức, cơ hội đối với các ngành CNKT của Việt Nam, hướng đến cải tiến chương trình đào tạo hiện nay, đề xuất chương trình đào tạo mới cho các trường đại học; các định hướng nghiên cứu mới, tập hợp lực lượng và xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mới trong các trường đại học, các viện nghiên cứu về CNKT phù hợp. Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đến từ những trường đại học và đơn vị nghiên cứu hàng đầu như: Đại học quốc gia Hà Nội, đại học Nguyễn Tất Thành, đại học Bách khoa Hà Nội, đại học Giao thông vận tải, Viện Khoa học công nghệ Giao thông vận tải, cùng đại diện các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực tư vấn và lĩnh vực công nghệ thông tin,… đã trình bày các tham luận và thảo luận, không chỉ từ quan điểm của đơn vị đào tạo và nghiên cứu, mà còn xuất phát từ nghiệp vụ thực tế trong sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, với mong muốn sao cho việc đào tạo và nghiên cứu sẽ đáp ứng được tốt nhất cho nhu cầu thực tiễn của xã hội, tạo bước chuẩn bị đầy đủ để cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đem lại những lợi ích và lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghệ, kỹ thuật của Việt Nam trên trường quốc tế.
Toàn cảnh Hội thảo Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mới liên ngành, liên đơn vị trong lĩnh vực vật liệu thông minh, khoa học dữ liệu, CNTT, trí tuệ nhân tạo; giải pháp về hệ thống giao thông thông minh ở Việt Nam; một số xu hướng ngành xây dựng thời đại kỹ thuật số như công nghệ BIM 6D, tính toán thiết kế được đồng thời các tham số như thời gian, chi phí và tối ưu nguồn năng lượng,… Theo đó, đổi mới chiến lược đào tạo và phát triển nghiên cứu khoa học mũi nhọn thông qua các nhóm nghiên cứu, thu hút - bồi dưỡng - trọng dụng nhân tài, xây dựng các mô hình đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh phù hợp với tư duy khởi nghiệp và sáng tạo là những giải pháp tổng thể cho phép Việt Nam có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển vượt bậc trong kỷ nguyên CMCN 4.0. Bài, ảnh: Ngũ Hiệp |