|
|||
Thủ tướng yêu cầu 'kỷ luật sắt' trong xây dựng Chính phủ điện tử Theo VnExpress.net, sáng 20/9, phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cải cách hành chính, trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 10/2018, các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; trình Thủ tướng xem xét, ban hành.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, khung kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 1.0) được Bộ Thông tin Truyền thông ban hành năm 2015 đến nay đã có hơn 50 bộ, ngành, địa phương triển khai. Hiện cơ quan chức năng đã xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; nhiều địa phương bước đầu thiết lập trung tâm dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ hạn chế là hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, chưa công bố tiến độ; các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành. Các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính triển khai chậm dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung chưa được thực hiện.
Các thành viên Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: Nguyễn Hoàng/VGP Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phát triển Chính phủ điện tử cần tiếp cận theo hướng toàn diện, cả về dịch vụ công, nhân lực và hạ tầng; đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu quốc gia, hiện đang chậm trễ, nhất là dữ liệu dân cư. Đây được xem là một trong những vướng mắc trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có "kỷ luật sắt" trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Hợp tác KHCN Việt Nam - Lào: Nâng cao năng lực các tổ chức KH&CN Lào
Theo khoahocphattrien.vn, ngày 14/9, tại Cuộc họp đánh giá giữa kỳ tình hình hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ KH&CN Lào, lãnh đạo hai bộ cùng đánh giá, một trong những hoạt động nổi bật thời gian qua mà hai bên đã hợp tác thực hiện là nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN Lào, qua đó góp phần tạo dựng nền tảng cho KH&CN quốc gia này phát triển trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Chu Ngọc Anh(thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Bộ KH&CN Lào Boviengkham Vongdara ký biên bản cuộc họp Kể từ Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp hợp tác KH&CN vào tháng 6/2017, hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực của Việt Nam với Lào đã được triển khai một cách bài bản: hai bên tăng cường hoạt động trao đổi đoàn kết, tạo cơ hội trao đổi, tiếp xúc, giao lưu giữa các cán bộ quản lý, các cán bộ khoa học của hai Bộ nhằm giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN Lào.
Tại phiên họp, hai bên đã thống nhất các nội dung hợp tác về KH&CN giữa hai nước từ nay đến Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào sẽ là: các hoạt động trao đổi đoàn kết các cấp để triển khai các Thỏa thuận hợp tác (MOU) được ký kết giữa các đơn vị chức năng của hai Bộ KH&CN Việt Nam và Lào; tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại Lào và Việt Nam cho cán bộ quản lý KH&CN của Lào về quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp,…; xây dựng, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật triển khai lồng ghép trong các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý; đề xuất định hướng phát triển các lĩnh vực KH&CN cho Bộ KH&CN Lào xem xét lựa chọn.
Hai bên thống nhất Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác KH&CN Việt Nam – Lào sẽ tổ chức vào năm 2019 tại Lào.
Gần 500 sản phẩm, công nghệ trưng bày tại TechDemo 2018
Ngày 20/9 và 21/9 thông tin về sự kiện Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2018 đã được các cơ quan thông tấn báo chí dành sự quan tâm và đưa tin.
Theo đó, nội dung các báo đưa, Techdemo 2018 sẽ có các hoạt động chính như: Điều tra khảo sát cung cầu công nghệ và xây dựng dữ liệu công nghệ; hoạt động tư vấn công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật trực tiếp cho doanh nghiệp, tư vấn kết nối tài chính - công nghệ; chuỗi các hội thảo quốc tế, diễn đàn, tọa đàm chuyên đề chuyên sâu giải quyết bài toán về công nghệ cho doanh nghiệp, cho vùng; trình diễn công nghệ; kết nối cung - cầu công nghệ; kết nối cung cầu trên sàn tri thức Novelind; khai trương điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Cần Thơ…
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì buổi họp báo Với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Sáng tạo, hội nhập và phát triển”, Techdemo 2018 còn có chuỗi các hội thảo quốc tế, diễn đàn, tọa đàm chuyên đề chuyên sâu giải quyết bài toán về công nghệ cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tại sự kiện, có gần 500 sản phẩm/quy trình/công nghệ/thiết bị nghiên cứu của gần 120 doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức KH&CN trong nước và quốc tế (với gần 100 công nghệ đến từ các nước Hàn Quốc, Đan Mạch, Đức, Mỹ, Israel, Nhật Bản) sẽ trưng bày trình diễn tại 100 khu. Trên phương diện trưng bày và trình diễn, TechDemo 2018 sẽ tập trung vào các lĩnh vực: Nông - Lâm - Thủy - Hải Sản; Công nghệ Vật liệu mới, Xây dựng cơ bản; Cơ khí chế tạo, Công nghiệp ô tô xe máy và công nghiệp hỗ trợ; Công nghệ thông tin, công nghệ điện tử, IoT; Công nghệ sinh hóa, y dược phẩm; Công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; Công nghệ bảo vệ môi trường. Điểm nổi bật của Techdemo 2018 là hoạt động kết nối trên sàn tri thức Novelind, hoạt động tôn vinh doanh nghiệp đổi mới công nghệ tiêu biểu và khai trương Điểm kết nối cung cầu công nghệ Cần Thơ.
Ngoài ra, Techdemo 2018 còn tổ chức Tôn vinh doanh nghiệp Đổi mới công nghệ tiêu biểu. Đây là năm đầu tiên tổ chức tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu về đổi mới công nghệ nhằm ghi nhận kịp thời các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc nâng cao năng lực công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Hội nghị trao đổi khoa học Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 11
Theo VietNamnNet.vn, ngày 15/9/2018, tại Đại học Tohoku đã diễn ra Hội nghị trao đổi khoa học Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 11 – VJSE. Hội nghị VJSE tạo diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản và các nước khác trao đổi, thảo luận các xu hướng, kết quả nghiên cứu nổi bật
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao Hội sinh viên Việt Nam tại Sendai và trường Đại học Tohoku đã đăng cai tổ chức Hội nghị VJSE lần thứ 11, đặc biệt trong năm 2018 Việt Nam và Nhật Bản đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi lễ
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng các trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, những người được đào tạo và làm việc tại Nhật Bản- quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, không chỉ là nguồn lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng, duy trì và thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng và trong các lĩnh vực hợp tác khác của hai nước nói chung.
Phó Hiệu trưởng Đại học Tohoku Noriko Osumi cho biết Việt Nam đứng thứ 2 với hơn 40 sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại trường và là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước.
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 - Hà Nội
Theo dangcongsan.vn, ngày 18/9 tại Hà Nội, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 – Hà Nội (ASOSIO Smart City Summit 2018- Hanoi) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với mục đích chia sẻ tầm nhìn, chiến lược, chính sách và kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy xây dựng phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực thông qua việc triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới: IoT, Big Data, AI, AR…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều thách thức trong vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Hà Nội mong muốn hướng tới một mô hình thành phố thông minh mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các đại biểu tham gia Phiên tọa đàm có chủ đề "Thành phố thông minh - Góc nhìn của các lãnh đạo" Dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại dương (ASICIO) nêu rõ, dự kiến đến năm 2020 thế giới sẽ có 2/3 dân số sống ở các đô thị, trong đó châu Á và châu Phi được đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh nhất. Dự kiến, số dân sống ở đô thị sẽ tăng từ 53% hiện nay lên 64% trong quá trình đô thị hóa. Điều đó đồng nghĩa với các vấn đề như: Già hóa dân số, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, không khí... làm ảnh hưởng đến cuộc sống và môi trường kinh doanh của con người.
Với báo cáo “Công nghệ mới cho thành phố thông minh hơn”, ông Jay Jenkins, Trưởng bộ phận Công nghệ Google Cloud Đông Nam Á khẳng định luôn nhận được năng lượng từ cuộc sống trong bầu không khí tại các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội. Đồng thời khẳng định, Hà Nội là một đô thị thông minh khi có nhiều cảm biến giao thông lắp đặt trên nhiều tuyến phố. Khi lưu thông trên đường người dân thường xuyên sử dụng Google map để xác định phương hướng. Hà Nội cũng có nhiều dữ liệu về bản đồ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn so với các đô thị khác.
VinTech hợp tác với ĐH Công nghệ Sydney nghiên cứu các lĩnh vực nền tảng của công nghiệp 4.0
Theo khoahocphattrien.vn, ngày 19/9/2018, Công ty cổ phần phát triển công nghệ VinTech và Đại học Công nghệ Sydney (UTS) đã ký bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực: Phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, robotics, thiết kế điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, công nghiệp 4.0, IoT...
Theo đó, UTS và VinTech sẽ cùng thành lập nhóm làm việc để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, cùng trao đổi thông tin sâu rộng trong các lĩnh vực như dữ liệu, thư viện nghiên cứu và các công trình khoa học được công bố.
Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Đại học Công nghệ Sydney Attila Brungs cho rằng: “Lễ ký kết ngày hôm nay thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc hợp tác nghiên cứu các lĩnh vực nền tảng của công nghiệp 4.0 có ý nghĩa toàn cầu như trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, robot và an ninh mạng. Sự kết hợp giữa những kinh nghiệm của chúng tôi và vị trí của VinTech trong nền công nghệ tại Việt Nam sẽ tạo nên các thay đổi và đổi mới thực sự, sâu rộng. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy những hợp tác nghiên cứu xuất sắc và có tầm ảnh hưởng trong tương lai.”
Vương quốc Anh cam kết phát triển các chương trình nghiên cứu là lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam
Theo báo điện tử VietNamNet, tại Hội thảo “Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam- Vương quốc Anh: Thành tựu và định hướng hợp tác tương lai” diễn ra sáng ngày 18/9, Đại sứ Gareth Ward đã khẳng định: “Vương quốc Anh cam kết tiếp tục thể hiện vai trò đầu tàu về khoa học và đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới; tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, khai thác tiềm năng tốt nhất của mỗi bên và hỗ trợ những hoạt động KH&CN có ý nghĩa với đời sống và sinh kế”. Là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 45 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2018), Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm về tăng cường hợp tác về nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward chủ trì.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, khoa học và đổi mới sáng tạo là nội dung hợp tác ngày càng quan trọng và được mở rộng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Hội thảo cũng nhằm khẳng định cam kết cao của 2 bên trong việc triển khai các hoạt động hợp tác một cách hiệu quả để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự xứng đáng với vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững nền kinh tế và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Khi Việt Nam và Vương quốc Anh trở thành đối tác chiến lược vào năm 2010, hợp tác khoa học chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ tổng thể giữa hai bên. Hiện nay, 2 bên đã có một Bản ghi nhớ riêng về hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, với các chương trình hoạt động trị giá gần 8,5 triệu bảng Anh trong 4 năm 2014-2018.
Để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hơn nữa hợp tác KH&CN giữa hai nước, năm 2015, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len đã ký Bản ghi nhớ về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo (Chương trình Newton Việt Nam).
Thời gian qua, Chương trình Newton Việt Nam đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Hai bên đã cùng tài trợ 5 dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực như: chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm; chọn, tạo các giống lúa có khả năng chịu hạn, mặn. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ hơn 70 nhà khoa học tham gia các khóa đào tạo thạc sỹ, trao đổi nghiên cứu và hỗ trợ 60 nhà khoa học tham gia khóa đào tạo thương mại hóa sản phẩm.
Đại sứ Gareth Ward khẳng định: “Quỹ Newton đã mở ra những cơ hội mới cho nghiên cứu chung giữa Anh và Việt Nam. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận Tiến sỹ Trung Dương, Đại học Queens Belfast và Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, Đại học Duy Tân với công trình nghiên cứu “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: Kết nối xã hội cho các thành phố tương lai”, đã đạt giải thưởng uy tín Newton vào cuối năm ngoái”.
Đối với Quỹ GCRF, với mục đích hỗ trợ những nghiên cứu xuất sắc khắp nơi trên thế giới để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, Quỹ GCRF cũng là “một cơ hội tuyệt vời khác cho các nhà khoa học Việt Nam và Anh làm việc cùng nhau”.
Trường đại học là tác nhân quan trọng giúp thay đổi văn hóa đổi mới sáng tạo của người Việt Nam
Nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Phần Lan trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, từ ngày 20 – 22/9 tại Hà Nội, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan Giai đoạn II (IPP2) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn vào sáng ngày 21/9/2018.
Toàn cảnh Diễn đàn Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết: Bộ KH&CN đánh giá cao nỗ lực của IPP2 đã sớm nhận thức rõ vai trò then chốt của các trường đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi động chương trình hợp tác với các trường đại học Việt Nam để thí điểm đào tạo các lớp giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho hơn 150 giảng viên của gần 50 trường đại học trong cả nước, đưa lãnh đạo các trường đại học Việt Nam sang bồi dưỡng ngắn hạn và học hỏi các mô hình tiên tiến tại Phần Lan, hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các trường đại học để đưa nội dung đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của chương trình IPP nói chung và IPP2 nói riêng, trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ông Janne Oksanen, Phó Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết: Những năm vừa qua sự hợp tác giữa hai quốc gia và đặc biệt là Chương trình IPP đã có nhiều hoạt động tích cực, nhất là việc tạo dựng được nền tảng đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Chương trình IPP2 đã tiếp tục duy trì và phát triển được các hoạt động đó, không chỉ là hỗ trợ về tài chính mà cử chuyên gia để phát triển các nhóm khởi nghiệp, nghiên cứu chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… từ đó thúc đẩy phát triển môi trường khởi nghiệp quốc gia.
Tần Quỳnh (tổng hợp) |