|
|||
Đó là một số kết quả nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ KH&CN. Thông tin được đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ Quý II/2018 do Bộ KH&CN tổ chức mới đây, tại Hà Nội. Hoàn thành nhiều nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao Phó Chánh Văn phòng Bộ KH&CN Nguyễn Mai Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ KH&CN tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về KH&CN nhằm khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, ứng dụng đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu; hoàn thiện quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nâng cao chất lượng công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tính đến ngày 15/6/2018, Bộ KH&CN được giao 175 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 37 nhiệm vụ, đang thực hiện 138 nhiệm vụ (đều trong hạn). Tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng KH, CN thúc đẩy tăng năng suất lao động và ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Bộ đã trả lời đầy đủ kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội trong và sau Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận, giải quyết đúng thời hạn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp”, ông Dương cho biết. Cùng với đó, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã tập trung vào việc triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản được Thủ tướng phê duyệt nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN quốc gia; các nhiệm vụ KH&CN nhằm tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia giúp tạo ra sản phẩm mới, gia tăng giá trị của sản phẩm truyền thống như: cá tra, dừa, lúa gạo thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến, nghiên cứu tạo ra công nghệ, thiết bị, giống cây trồng mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao tiếp tục được triển khai với mục tiêu ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bộ KH&CN nghệ đã đi đầu trong việc triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” đối với chất lượng hàng hoá nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý. Cụ thể, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa sang áp dụng cơ chế hậu kiểm; giảm 67% thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu để thông quan hàng hóa (giảm từ 03 ngày xuống còn 01 ngày, vượt yêu cầu về thời gian của ASEAN+4 (là 90 giờ). Rà soát, cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan. Bộ cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, nhờ đó đã xếp vị trí thứ 2/19 Bộ, ngành về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển Chính phủ điện tử năm 2017. Hoạt động hợp tác quốc tế trong 6 tháng đầu năm cũng đầy sôi động, điểm nhấn đó là việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác của Cộng hòa Pháp, Autralia, Singapore, Canada về hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN4.0, hợp tác về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; trao đổi và phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập trong lĩnh vực KH&CN và tổ chức, bộ máy các đơn vị thuộc Sở KH&CN theo Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 Trung ương 6 khóa XII; đưa doanh nghiệp làm trung tâm để tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng để phát triển đồng bộ các sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhất là với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương và Vùng. Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, nối tiếp các hoạt động năm 2017, năm 2018, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên khắp cả nước như diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, phát động cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội thảo “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ”, cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng Bắc Trung Bộ”, tọa đàm “Định hướng chính sách khởi nghiệp cho Vùng Bắc Trung Bộ gắn với doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong hỗ trợ phát triển các sản phẩm, dự án khởi nghiệp gắn với thế mạnh đặc trưng Vùng Bắc Trung Bộ như nông nghiệp, du lịch, dược liệu”, tọa đàm “các vấn đề về xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”,… Sau các hoạt động do Bộ KH&CN tổ chức, hiện các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, tư nhân, chính quyền địa phương, các trường đại học,... đều vào cuộc, đã và đang có nhiều hoạt động giúp phát triển, lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp gắn vớiđổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 nhiệm vụ, 4 giải pháp Ông Nguyễn Mai Dương cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện Đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Đồng thời, hoàn thiện Khung Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu KH&CN thúc đẩy chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Cùng với đó, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập; hướng dẫn các tổ chức KH&CN xây dựng và trình phê duyệt phương án tự chủ theo thời hạn quy định. Hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia. Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để rà soát, cắt giảm ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan và tập trung triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đối với các thủ tục hành chính thực hiện trong năm 2018. Để đạt được các nhiệm vụ đặt ra, bốn giải pháp chủ yếu đã được xác định, cụ thể: Thứ nhất, tăng cường phối hợp công tác với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi các chính sách về KH&CN. Triển khai các giải pháp để đưa KH&CN tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Thứ hai, nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai chính sách, pháp luật, chất lượng công tác quản lý và tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN. Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giảm thời gian, chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tạo mọi thuận lợi cho các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp và người dân. Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về KH&CN. Tuyên truyền, cung cấp kịp thời các thông tin về cơ chế, chính sách, các kết quả hoạt động KH&CN đến các cơ quan quản lý các cấp, các ngành và nhân dân, từ đó nâng cao hiểu biết chung về KH&CN và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên |