Bản in
Ứng dụng công nghệ gỡ “nút thắt” đào tạo nhân lực
Để giải bài toán nguồn nhân lực, các doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi, đưa ra giải pháp cải thiện chứ không nên chờ đợi từ thị trường một cách bị động. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhân sự là điều cần thiết và được xem là cứu cánh trong thời buổi hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc Dự án quản lý đào tạo trên nền tảng đám mây (CLS), Công ty TNHH Phát triển Hương Việt cho biết như trên tại Hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Chất lượng nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, 69% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cho rằng họ đang “vấp” phải khó khăn trong việc tuyển dụng được các cán bộ kỹ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo báo cáo “Thực trạng quản trị nhân sự tại doanh nghiệp Việt Nam”, hằng năm tỉ lệ nghỉ việc trung bình tại các doanh nghiệp là 15,7%, tức là mỗi năm có một bộ phận không nhỏ người lao động luân chuyển công việc. Như vậy, từ thực trạng này đã khiến các doanh nghiệp bị thất thoát một khoảng ngân sách đáng kể khi có nhân sự nghỉ việc. Đồng thời doanh nghiệp đó cũng phải tốn một khoản kinh phí tương tự cho việc đào tạo nhân viên mới. 

Còn theo số liệu điều tra của viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Sự thiếu hụt những kỹ năng cốt lõi ngoài kỹ năng về mặt kỹ thuật còn nghiêm trọng hơn thiếu hụt kỹ năng về kỹ thuật.

Mặc dù nguồn lực lao động dồi dào, song Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế. Các nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động trẻ.

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và trước sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tác động kép của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với vấn đề phát triển của Việt Nam. Vì thế, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa nhân lực trở thành yếu tố hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng với chất lượng cao, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Gỡ “nút thắt” khâu đào tạo nhân lực

Bà Nguyễn Thị Nhàn cho rằng, việc tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự nội bộ chính là cách gỡ nút thắt và tạo nội lực mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một nhiệm vụ không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang ý nghĩa xã hội. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo nhân sự là điều rất cần thiết và được xem là cứu cánh trong thời buổi hiện nay.

Trong thời gian tới, để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập CPTPP, ngoài các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai đầu tư, chúng ta cần cần ứng dụng công nghệ để cải thiện chất lượng lao động ngay từ khâu giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và đào tạo nội bộ từ chính doanh nghiệp. Chất lượng lao động thấp không chỉ làm kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam mà còn làm cho thu nhập của người lao động không cao.

Ông Stephan Ulrich – Quản lý dự án Vùng Dự án Phát triển Doanh nghiệp bền vững của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, CPTPP sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho Việt Nam cũng như lợi ích cho tất cả các nhóm thu nhập. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài trong các ngành may mặc, da giày, điện tử…, đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ. “Đây là xu hướng mà Việt Nam cần quan tâm thời gian tới” - ông Stephan Ulrich nhấn mạnh.

Ngày nay, xu hướng đào tạo trong doanh nghiệp đang chuyển dịch dần từ đào tạo truyền thống sang đào tạo online (Elearning) bởi một loạt các lợi ích vượt trội như phá vỡ các rào cản về địa lý, rút ngắn thời gian đào tạo, đồng thời tiết kiệm được chi phí nhờ không phải tổ chức các lớp học hay thuê đơn vị đào tạo như quy trình cũ...

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ trong việc kết hợp các phương pháp đào tạo nội bộ, nhằm nâng cao chất lượng nhân sự. Tuy nhiên, việc ứng dụng đào tạo trực tuyến vẫn chỉ là cuộc chơi của các đại công ty.

Những lợi ích của đào tạo trực tuyến là điều dễ dàng nhìn thấy được nhưng để đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến gồm phần mềm quản lý đào tạo, hạ tầng máy móc thiết bị, sản xuất nội dung và duy trì đội ngũ vận hành cần một nguồn tài chính rất lớn và thường xuyên - điều này nằm ngoài khả năng của hầu hết các doanh nghiệp còn lại.

Với nội hàm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) vào trong hoạt động đào tạo trực tuyến (Elearning) được xem là một trong những giải pháp không chỉ có ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn giải quyết bài toán của các doanh nghiệp một cách hiệu quả. 

Tại Việt Nam, giải pháp Hệ thống quản lý đào tạo trên nền tảng đám mây CLS - Cloud Learning System (cls.vn) hiện đang được biết đến là giải pháp phục vụ công tác đào tạo nhân sự và giáo dục trực tuyến. Ưu điểm từ giải pháp này là chi phí thấp so với việc thuê các giải pháp công nghệ nước ngoài nên phù hợp với mọi loại hình doanh nghiệp từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cho tới doanh nghiệp siêu nhỏ. Mặt khác, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đến Việt Nam đầu tư cũng có thể tận dụng và hưởng lợi từ hạ tầng công nghệ từ nội địa như CLS với tiêu chuẩn chất lượng không thua kém so với việc thuê các phần mềm đắt đỏ từ nước ngoài.

Chi phí để đầu tư hệ thống CLS với giá dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng/nhân sự/ tháng tùy quy mô triển khai. Hệ thống này sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp sở hữu riêng các hệ thống đào tạo trực tuyến của riêng mình nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn lực. 

Do đó, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất cần có sự phối hợp, chung tay từ phía nhà nước, các cơ quan chức năng, các Hiệp hội, doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp khơi thông nguồn nhân lực, phát triển ngày càng ổn định và vững chắc, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

Bài, ảnh: Bảo Chi