|
|||
Thông tin được đưa ra tại Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Nam diễn ra mới đây. Nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đinh Văn Thu – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, Đảng, Nhà nước đã coi phát triển KH&CN cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. KH&CN phải đóng vai trò chủ đạo để tạo bước phát triển đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta đang đứng trước những thách thức to lớn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập, cho thấy vai trò của KH&CN trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá là đặc biệt quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong thời gian qua Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai chương trình, nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là hướng đến phát triển nông thôn miền núi, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển sản phẩm có lợi thế của tỉnh và giải quyết các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh. Các nhiệm vụ đó đã đóng góp không nhỏ về các luận cứ khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, có thể kể đến là các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam, các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ do THACO và các doanh nghiệp thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai, các nhiệm vụ nghiên cứu về sạt lở núi, bồi lấp cửa sông,... Chủ tịch Tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động KH&CN, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để cùng với nguồn lực KH&CN địa phương xây dựng, tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN địa phương, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn để góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hiệu quả của nền kinh tế. 5 nhiệm vụ chính Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã chúc mừng tỉnh Quảng Nam về những thành tựu vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong phát triển KH&CN trong những năm gần đây. Đồng thời nhấn mạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong triển khai thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng về phát triển KH&CN. Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều chủ trương, nghị quyết có tính định hướng và tác động mạnh mẽ đến hoạt động KH&CN như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gần đây là Nghi quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018,... Bộ trưởng cho rằng, việc triển khai ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh Quảng Nam là thể hiện sự quyết tâm của cả hai Bên trong chỉ đạo điều hành hoạt động KH&CN thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung phối hợp đã được hai Bên xem xét khá cụ thể, bám sát vào tình hình thực tiễn của cả hai Bên. Bộ trưởng hy vọng, Chương trình phối hợp sẽ đóng góp có hiệu quả thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và sẽ là kinh nghiệm thực tiễn triển khai nhân rộng ra các địa phương trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2018-2025 Chương trình phối hợp hoạt động được Bộ trưởng Bộ KH&CN và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký kết có nội dung tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Một là, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN hướng vào hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ô tô, máy kéo nông nghiệp... Từ đó, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh. Hai là, xây dựng các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tập trung xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản. Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường nông thôn. Xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN để giải quyết các vấn đề về môi trường trong chăn nuôi, xử lý rác thải sinh hoạt một cách có hiệu quả. Bốn là, bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các hệ sinh thái đặc hữu vùng ven biển nhằm đề ra giải pháp quy hoạch, bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, góp phần phục vụ du lịch, phát triển kinh tế. Năm là, đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN cho nghiên cứu phát triển và kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã đi thăm một số nhà máy sản xuất ô tô thuộc Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải – doanh nghiệp đã triển khai thực hiện rất thành công các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia phục vụ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do Bộ KH&CN đã hỗ trợ, đầu tư. Bài, ảnh: Hạnh Nguyên
|