|
|||
Đây là kỳ thi đầu tiên theo quy định mới kể từ năm 2011. Tham dự kỳ thi có 152 viên chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi đến từ 11 bộ, ngành trên phạm vi cả nước. Trong đó, dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu khoa học (nghiên cứu viên cao cấp) có 148 viên chức, chức danh công nghệ (kỹ sư cao cấp) có 4 viên chức. Sau khi Luật Viên chức được ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ 1/1/2012, Bộ Nội vụ đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý triển khai Luật như Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về kỷ luật đối với viên chức... và các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định nêu trên, trong đó có Thông tư số 16/2012/TT-BNV ban hành Quy chế thi tuyển, xét tuyển viên chức, Quy chế thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức và Nội quy kỳ thi tuyển, thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức. Về phía Bộ KH&CN, với trách nhiệm quản lý nhà nước về nhân lực KH&CN nói chung và viên chức ngành KH&CN nói riêng cũng như triển khai thực hiện một số nội dung phát triển nhân lực KH&CN được quy định tại Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN cũng rất tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành khác có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh chính sách chế độ quản lý, sử dụng và trọng dụng viên chức chuyên ngành KH&CN như Nghị định 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN; Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ; Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHCN-BNV của Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ quy định về bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức KH&CN… Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ KH&CN cũng chỉ đạo sát sao các đơn vị chức năng của Bộ khẩn trương xây dựng khung chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành KH&CN, tổ chức kịp thời các khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức chuyên ngành trên địa bàn cả nước nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham dự các kỳ thi thăng hạng. Tính đến tháng 7/2017 đã có hơn 2000 viên chức chuyên ngành KH&CN được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định. Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức chuyên ngành KH&CN không chỉ nhằm đảm bảo cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; có khả năng nghiên cứu, đề xuất và chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp KH&CN của đất nước; kỳ thi này còn nhằm bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức có năng lực, trình độ, có thành tích trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đóng góp cho sự nghiệp KH&CN.
Toàn cảnh Lễ khai mạc kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ngành KH&CN từ hạng II lên hạng I Bà Lê Minh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ công chức – viên chức, Bộ Nội vụ cho biết: Luật Viên chức được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực ban hành từ ngày 01/01/2012. Luật được xây dựng trên cơ sở pháp lệnh cán bộ công chức và được tách ra thành 2 luật: Luật cán bộ công chức và Luật Viên chức. Việc tách 2 luật này có ý nghĩa rất quan trọng đó là phân biệt được các hoạt động nhân danh quyền lực chính trị, quyền lực công của cán bộ, viên chức với các hoạt động nghề nghiệp mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ thuần túy của viên chức để nhằm cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, văn hóa xã hội, thể dục thể thao, bảo hiểm xã hội… Kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức chuyên ngành KH&CN là cơ hội để cho mỗi công chức/viên chức được thăng tiến và khẳng định mình. Tuy nhiên, việc thi nâng hạng cho viên chức cũng có một số khác biệt so với nâng ngạch công chức theo nghĩa cạnh tranh nghĩa là kết quả được tính như là thi tuyển (lấy từ người cao điểm nhất đến hết chỉ tiêu). Còn đối với kỳ thi thăng hạng viên chức, yếu tố cạnh tranh được thực hiện trước kỳ thi từ khâu sơ tuyển, lựa chọn vào danh sách đủ điều kiện sẽ được dự thi theo cơ cấu vị trí việc làm từ các đơn vị sự nghiệp công lập. Bà Lê Minh Hương cho biết “Bộ KH&CN là một trong những Bộ thực sự quan tâm tới đội ngũ viên chức của mình nên các kỳ thi được tổ chức thường xuyên. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&CN và cũng hi vọng từ nay về sau chúng ta sẽ tổ chức được các kỳ thi một cách đều đặn và thường xuyên hơn”. Trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và thời kỳ cách mạng 4.0, việc xây dựng, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bắt kịp đà phát triển luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việc tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức chuyên ngành KH&CN là một trong những khâu rất quan trọng trong công tác cán bộ; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước nói chung và ngành KH&CN nói riêng. Tin, ảnh: Tuyết Hằng
|