|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Định – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. PV: Thưa ông, trong thời gian tới, Hệ tri thức Việt số hóa sẽ lan tỏa đến người dân, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ra sao? TS. Lê Xuân Định: Công nghệ thông tin và công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 sẽ là những điều kiện thuận lợi để chúng ta rút ngắn khoảng cách giữa vùng xa xôi, vùng hẻo lánh và các trung tâm đô thị. Dòng chảy tri thức được chia sẻ trong Hệ tri thức Việt số hóa sẽ lấp đầy khoảng cách để mang lại cơ hội cho tất cả các bạn trẻ - những người muốn tìm hiểu tri thức dù ở vùng sâu, vùng xa, dù ở nông thôn vẫn tiếp cận được những tri thức cập nhật nhất, nhanh nhất và phù hợp nhất cho mục tiêu sử dụng của mình. Hệ tri thức Việt số hóa có thành sự thật hay không là nhờ công sức đóng góp của tất cả mọi người, cơ quan, đoàn viên thanh niên của mọi thành phần trong xã hội. Vì vậy, Hệ tri thức Việt số hóa được kiến tạo bởi nỗ lực của từng cá nhân, và có được kiến tạo một cách đầy đủ, toàn diện hay không, chất lượng có được đảm bảo và hoàn thiện hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nỗ lực của tất cả mọi người dân Việt Nam để có hệ tri thức của dân tộc mình. PV: Vậy, chúng ta cần có lộ trình cụ thể như thế nào để chuẩn bị cho Hệ tri thức Việt số hóa, thưa ông? - Đây là một chương trình rất đặc biệt. Điều quan trọng là tạo nền tảng để tất cả các doanh nghiệp, tất cả mọi người có thể tìm thấy thông tin mà mình mong muốn. Ở đây, sự chủ động phát triển hệ tri thức Việt không nằm ở cơ quan quản lý mà là một đề án để cộng đồng tham gia, đóng góp và phát triển. Và hệ tri thức ấy sẽ phát triển theo hướng nhu cầu của xã hội đang hướng tới, khác với các đề án đặt ra một “đường ray”. Trong năm 2018, theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ đã giao, chúng ta phải phát triển toàn diện nhất hệ tri thức này trên tất cả các lĩnh vực nhưng đầu tiên phải giải quyết các lĩnh vực then chốt và thiết yếu nhất với người dân như: sức khỏe, y tế, pháp luật, quyền lợi của người dân… Đây sẽ là những phân hệ sẽ được phát triển trước, sau đó những phân hệ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tri thức, khát khao sáng tạo sẽ được tiếp tục hoàn thiện trên nền tảng vừa tích hợp tri thức của nhân loại vừa là tích hợp tri thức của từng người Việt Nam.
Trang chủ của Hệ tri thức Việt số hóa PV: Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa có vẻ như đang gây ra lãng phí do mọi thông tin đều có thể tìm thấy trên mạng internet. Vậy đây có phải việc làm lãng phí hay không? Tại sao chúng ta không tận dụng những tài nguyên sẵn có trên mạng? - Nếu như bạn có thể chỉ ra địa chỉ nào trên không gian mạng có thể đáp ứng được điều ấy, tôi sẽ công nhận đó là sự lãng phí. Nhưng bản thân thực tiễn tại thời điểm này, có thể thấy chưa có địa chỉ nào, chương trình dự án nào làm được việc này. Thông tin và tri thức là vô vàn nhưng sự lựa chọn, chọn lọc và kiểm chuẩn thì phải là một quá trình và đây phải là nỗ lực có tổ chức. Chính vì vậy, việc chúng ta kêu gọi được mọi người cùng đóng góp, cùng tham gia sẽ giống như một chương trình nhân rộng tri thức, đáp ứng nguồn tài nguyên cho nhiều người sử dụng được hơn thì đó chính là mục tiêu của dự án để làm sao tận dụng một cách tốt nhất tất cả các tài nguyên hiện hữu và những nỗ lực trong tương lai để tạo thành một hệ tri thức tổng thể cho người Việt Nam mà hiện nay chưa tồn tại. Mục tiêu của Hệ tri thức Việt số hóa là xây dựng một kho tri thức của thế giới và Việt Nam được tổ chức, lưu trữ một cách tiên tiến nhằm khai thác sử dụng thông tin phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây là mục tiêu rất lớn và chúng ta mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, gieo mầm, do đó cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng và mọi người dân thì mới có thể xây dựng được Hệ tri thức Việt số hóa như mục tiêu đề ra. Bài, ảnh: Đăng Minh
|