|
|||
Ông Dương Hoa Xô – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ TP.HCM thông tin, đã có khoảng 360 giống hoa lan các loại: Dendrobium, Mokara, Phalaenopsis, Oncidium… được sưu tập, bảo quản nguồn gen để nhân giống. Đặc biệt, có 150 giống lan rừng quý hiếm của Việt Nam được Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM sưu tầm, định danh. Ngoài lan còn có 124 giống kiểng lá, 77 giống hoa nền và 100 giống cây dược liệu được sưu tập nhờ ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sinh học. Cũng theo ông Xô, công tác nghiên cứu, lai tạo giống hoa lan cũng đạt nhiều thành tựu đáng kể khi Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM lai tạo thành công 38 tổ hợp lai, trong đó đã cho ra vườn 28 tổ hợp lai và có 19 tổ hợp đã ra hoa. Các cá thể lan này thể hiện các tính trạng vượt trội về kiểu hoa, màu sắc, chiều dài phát hoa và đặc biệt là rất siêng ra hoa. Hiện trung tâm đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận tiến bộ kỹ thuật cho 6 dòng lan lai mới phù hợp với điều kiện khí hậu TP.HCM.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cũng cho biết, trong chương trình nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM xác định công nghệ sinh học là một trong năm chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm.
Thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ sinh học có tính ứng dụng cao, đã góp phần vào sự phát triển nông nghiệp của thành phố và hỗ trợ cho sự phát triển nông nghiệp của khu vực ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam Bộ. Từ đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông – thủy sản, sản xuất vaccine…/. |