Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 5-11/8/2017
Trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên; Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do mưa lũ; ĐH Đà Nẵng khai trương 'không gian riêng' cho nhà sáng chế;…là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên

Ngày 8/8,  Báo Đại biểu nhân dân đưa thông tin, Trong khuôn khổ Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất, Hội chợ thương mại đặc sản vùng miền năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã công bố và trao Quyết định cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.

Theo đó, chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất tại 4 địa phương: TP Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết: quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả từ 25,61 đến 29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98 đến 27,61 mm, trọng lượng quả từ 9,35 đến 13,28 g/quả. Hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g, axit hữu cơ tổng số từ 0,04 – 0,17 %, đường tổng số 13,89 đến 17,37%, hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix, hàm lượng nước từ 18,38 – 22,09. Hương vị nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm. 

Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do mưa lũ

Chiều 8/8, tại trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu đã trao số tiền quyên góp, ủng hộ của cán bộ công chức, viên chức và người lao động Bộ Khoa học và Công nghệ tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để qua đó chia sẻ với các gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do lũ ống và sạt lở đất, giúp đồng bào vượt qua khó khăn.

Để góp phần chia sẻ những mất mát với đồng bào bị thiệt hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Đảng ủy, Công đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ để chung tay chia sẻ những khó khăn vừa trải qua của nhân dân vùng lũ. 

Đây là hoạt động nhằm phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm xẻ áo”, chung tay cùng đồng bào cả nước hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc đang chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ và sạt lở đất. (Theo Báo Công thương 8/8).

Lần đầu tiên sử dụng robot phẫu thuật ung thư gan tại Việt Nam

Ngày 9/8 báo vietnamplus cho biết, Một bệnh nhân ung thư gan đã được các bác sỹ Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh phẫu thuật cắt trọn vẹn 2 thùy gan trái với sự hỗ trợ của robot thế hệ mới nhất. 

BS trao đổi với bệnh nhân ngày thứ 5 sau hậu phẫu.

Đây cũng là trường hợp ứng dụng robot để phẫu thuật gan cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam. 

Việc sử dụng robot phẫu thuật cho phép bác sỹ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu của các cơ quan qua màn hình 3D, chuẩn HD với độ phóng đại 12 lần. 

Các cánh tay robot thực hiện linh hoạt thao tác vén mô, bộc lộ trường mổ rõ ràng, bóc tách một cách tinh tế, cắt đốt an toàn từng thùy gan và mạch máu vùng gan. 

Nhờ vậy, khối u vừa được loại bỏ triệt để vừa giảm thiểu tổn thương phần gan còn lại, duy trì chức năng gan sau mổ cho người bệnh. 

Bên cạnh đó, nhờ khả năng xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật ứng dụng robot ít gây đau, giảm mất máu, giảm thời gian nằm viện, giảm biến chứng phẫu thuật như nhiễm trùng, viêm dính...

Sau phẫu thuật 1 tuần, bệnh nhân đã tự đi, sinh hoạt trở lại bình thường và đã được xuất viện. 

Tôn vinh 65 trí thức tiêu biểu Liên hiệp Hội Việt Nam

 Ngày 10/8/2017 tại TP Hải Phòng, Liên Hiệp hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Hội nghị Tôn vinh trí thức tiêu biểu LHHVN năm 2017.

Trong số 65 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này, trí thức nam trẻ nhất là 40 tuổi, 2 trí thức cao tuổi nhất là 82 tuổi. Các trí thức KH&CN tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động hội và công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện...

Trong đó, 30 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở 35 người có học vị thạc sĩ, cử nhân và tương đương. Có 02 người dân tộc Tày và Nùng, 63 người dân tộc kinh. Tuổi bình quân của 65 trí thức là 60,6 tuổi. Đặc biệt có 2 trí thức cao tuổi nhất là 82 tuổi và 1 trí thức nam trẻ tuổi nhất là 40 tuổi, 1 trí thức nữ trẻ tuổi nhất là 44 tuổi. Các trí thức KH&CN tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động hội và công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện...(Theo kienthu.net ngày 10/8).

ĐH Đà Nẵng khai trương 'không gian riêng' cho nhà sáng chế

Chiều 11-8, Đại học Đà Nẵng đã khai trương không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế (Maker space) thứ hai của Việt Nam. Maker space đầu tiên được khai trương tại TP.HCM vào tháng 6-2017.

Không gian sáng chế ĐH Đà Nẵng là nơi hỗ trợ sinh viên nghiên cứu sáng tạo đầu tiên tại Đà Nẵng

Maker space này thuộc dự án Xây dựng liên minh trường ĐH và doanh nghiệp thông qua hoạt động sáng tạo và đổi mới công nghệ (BUILD-IT), do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ĐH bang Arizona thực hiện tại Việt Nam.

Maker space sẽ cung cấp không gian thí nghiệm, nơi sinh viên và giảng viên có thể thiết kế, sáng tạo, đổi mới và phát triển các năng lực cần thiết để đáp ứng ngay yêu cầu công việc. Tùy vào nhu cầu nhóm dự án, không gian hỗ trợ máy móc, dụng cụ làm việc trên bảng mạch điện tử, giải quyết phần cơ khí (như máy in 3D, máy cắt gỗ, máy may, máy cắt laser, máy khoan)... để hoàn thiện sản phẩm mẫu.

Tổng kinh phí xây dựng, máy móc cho Maker space này hơn 1 triệu USD. (Theo Tuổi trẻ 11/8)

 

Hà Trang (tổng hợp)