|
|||
Bộ KH&CN và Bộ GD&ĐT kết nối nâng kết quả nghiên cứu trong các trường đại học Ngày 29/7, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh đã cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị “Phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”. Hội nghị còn có sự tham gia của ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cùng gần 300 giáo sư, lãnh đạo các trường đại học trên cả nước. Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo dục đưa ra một số điểm còn hạn chế trong nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Từ đó, đề xuất giải pháp để phát triển KH&CN trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ trong giai đoạn 2017-2025. Cũng trong Hội nghị này, việc kết nối giữa các nhà trong chuỗi nghiên cứu, sản xuất cũng được đặt ra để các bên tìm cách nâng cao chất lượng nghiên cứu, gắn được nghiên cứu với chuyển giao cho doanh nghiệp cơ sở sản xuất. Để làm được điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2017-2025 với nội dung: Hợp tác phát triển KH&CN nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN,…(Theo Dân trí ngày 30/7). 118 nhà khoa học tham gia Hội thảo khoa học Vật lý tại Quy Nhơn Ngày 31/7, tại TP Quy Nhơn, Bình Định đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế “Vật lý Nano - Nanophysics” và “Những chủ đề nóng trong Lý thuyết tương đối rộng và Lực hấp dẫn lần thứ 3”. Tham dự Hội thảo có 118 nhà khoa học đến từ trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam cho biết: Chủ đề của hội thảo lần này nhằm bàn luận và nghiên cứu về những cập nhật trong vật lý trạng thái rắn đã kết nối và về sự hiểu biết cơ bản và hướng ứng dụng cụ thể; thảo luận các công trình nghiên cứu về Điện tử Nano và Thiết bị Nano. Cùng với đó, Hội thảo còn trình bày các chủ đề mới nổi như Graphene, Chất liệu topo... Chúng tôi cũng dự định sẽ cung cấp thêm các thí nghiệm và công nghệ trong các bài trình bày, nhấn mạnh về tầm nhìn khoa học của các nước châu Á. Đây cũng là dịp để gặp gỡ giữa cộng đồng khoa học Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. (Theo Sài gòn giải phóng ngày 31/7).
Các nhà khoa học đến từ 25 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng chụp hình lưu niệm tại Trung tâm ICISE Xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia Báo Nhân Dân ngày 31/7 cho biết, tại buổi lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), tổ chức vào ngày 29/7, Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, hiện nay hệ thống pháp luật về SHTT cơ bản được hoàn thiện, tạo sự đồng bộ với hệ thống pháp luật về KH&CN cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung… Tính đến hết năm 2016, Cục SHTT đã cấp 16.439 bằng độc quyền sáng chế, 1.469 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 23.145 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 274.560 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu,…. Nhờ sự đóng góp quan trọng của SHTT, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) và Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (năm 2017 GII của Việt Nam tăng 12 bậc xếp 47/127)… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, hiện nay vẫn còn những tồn tại, bất cập và hạn chế đang cản trở sự phát triển, Qua đó, Bộ trưởng KH&CN đề nghị, Cục SHTT cần tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ: Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia, bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định các giải pháp để nhanh chóng giải quyết tình trạng tồn đọng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhất là cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp; đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của cán bộ công chức, viên chức và người lao động… Gần 400 nhà khoa học thảo luận ứng dụng hạt nhân trong y tế Ngày 3/8 báo điện tử VnExpress đưa thông tin, ngoài các vấn đề công nghiệp và nông nghiệp, các nhà khoa học thảo luận về ứng dụng hạt trong nhân trong y tế tại Hội nghị ở Nha Trang. Hội nghị khoa học công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 ở Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra từ ngày 2 đến 4/8, với sự góp mặt của hơn 370 nhà khoa học, chuyên gia của 70 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị, các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN)... đã trình bày về chương trình hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ các nước thành viên đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử nhằm phát triển, ứng dụng trong thực tiễn. Các nhà khoa học dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi về kết quả ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân trong nghiên cứu bụi khí; ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp và nông nghiệp... và thách thức của triển khai ứng dụng bức xạ trong tương lai. Trong đó, đề cập đến việc ứng dụng hạt nhân trong y tế…. Hơn 300 sinh viên tham gia “Diễn đàn khoa học và công nghệ lần thứ 6" Ngày 26/8 tới, tại Trường đại học Cần Thơ sẽ diễn ra “Diễn đàn khoa học và công nghệ lần thứ 6” do Trung tâm Dịch vụ công nghệ cao - Ban quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ tổ chức.
Diễn đàn khoa học và công nghệ lần thứ 5 Trong khuôn khổ Diễn đàn lần thứ 6, ban tổ chức đã nhận được sự ủng hộ để thành lập Liên minh Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ miền Nam, với sự tham gia của 13 trường đại học, cao đẳng trong đó có thể kể đến: Đại học Cần Thơ, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học quốc tế Hồng Bàng;… Sự kết nối và cam kết tham gia có hiệu quả của liên minh này nhằm xây dựng mạng lưới nhà khoa học trẻ khởi nghiệp; phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên; kết nối nguồn lực đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp với cộng đồng nhằm thúc đẩy thương mại hoá sản phẩm sáng tạo, qua đó tạo nguồn cung cho thị trường công nghệ trong nước. Ban tổ chức diễn đàn luôn đặt sinh viên và các nhà khoa học trẻ làm trung tâm và đây là cơ hội thể hiện ý tưởng sáng tạo, sản phẩm nghiên cứu hay mô hình kinh doanh. Đội ngũ chuyên gia, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ tư vấn, góp ý để các nhóm tiềm năng cải thiện, hoàn thiện sản phẩm của mình. (Theo Lao động 3/8). Hà Trang (Tổng hợp) |