|
|||
Luật chuyển giao công nghệ 2017 được công bố Ngày 12/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 luật, trong đó có Luật chuyển giao công nghệ. Được Quốc hội thông qua ngày 19/6, Luật chuyển giao công nghệ 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đặc biệt, luật bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp; sửa đổi quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ. Để luật đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của luật này. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao. (Theo VnEpress.net ngày 12/7).
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh hy vọng Luật chuyển giao công nghệ 2017 sớm đi vào đời sống Khai mạc hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 Ngày 10/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp với Chương trình Trung tâm ASEAN+3 về tài năng khoa học (ACGS) tổ chức Hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho Thiếu niên lần thứ 6 (APTJSO-6) với chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Khai mạc Hội trại, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, sự kiện này nhằm phát huy năng khiếu và khuyến khích sự đam mê sáng tạo KH&CN, ươm mầm các nhà khoa học và kỹ sư tài năng trong tương lai. Đây cũng là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Trong 5 ngày diễn ra Hội trại, các bạn trẻ đến từ các quốc gia khác nhau sẽ cùng thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và trình bày dự án thông qua các phần thi poster, kỹ năng trong phòng thí nghiệm, trình bày nhóm đề xuất dự án, xoay quanh chủ đề “Năng lượng tái tạo cho cuộc sống”. Đây là cơ hội để các bạn học sinh nhiều quốc gia cùng phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học hăng say, kỹ năng làm việc trong phòng thí nghiệm và làm việc nhóm, phát triển ý tưởng và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu cùng bạn bè thông qua các hoạt động thực tiễn liên quan đến phát triển nguồn năng lượng táo tạo. (Theo Đại biểu nhân dân ngày 11/7). Việt Nam tăng 12 vị trí về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 Vietnamplus.vn ngày 13/7 đưa tin, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2017. Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh thông qua hội thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn cùng các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), các bộ, ngành và địa phương làm rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu từ kết quả xếp hạng chỉ số GII năm 2017 và xác định các vấn đề đặt ra trong việc tiếp tục cải thiện các chỉ số. Qua đó, giúp các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả nhiệm vụ cải thiện các chỉ số đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19/2017. Theo công bố Báo cáo xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 47 trên 127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay. Đại sứ Dương Chí Dũng nhận định việc Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp hôm nay là minh chứng cho ý nghĩa và tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với đời sống con người. Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng GII 2017 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành mà đứng đầu là Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp. Thông qua hội thảo, Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết duy trì tăng trưởng ổn định thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII hàng năm và đề xuất thiết lập một diễn đàn để các nước, nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, rút ra các bài học cần thiết nhằm mục đích tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, nền kinh tế... Khai mạc chuỗi hội nghị về vũ trụ học và nghiên cứu về hạt neutrino Ngày 11/7, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, sáng 10/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE (TP Quy Nhơn, Bình Định) đã khai mạc chuỗi hội nghị về Vũ trụ học và trường nghiên cứu thực nghiệm về hạt neutrino. Tham dự có ngài Bertrand Lortholary - Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cùng 120 nhà khoa học đến từ 20 quốc gia trên thế giới cùng tham dự. Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết: Hội nghị gặp gỡ Việt Nam về Vũ trụ học thảo luận các vấn đề nghiên cứu đang được quan tâm nhất trong ngành, bao gồm: Phân cực bức xạ phông nền vũ trụ; những quan sát về bức xạ phông nền vũ trụ; năng lượng tối và vật chất tối; lạm phát và vũ trụ nguyên thủy; các vật thể lớn trong vũ trụ; năng lượng tối và hiệu chỉnh hấp dẫn; lý thuyết dây và vũ trụ học; neutrino trong vũ trụ học…
Một góc tại Lễ khai mạc Hội trại Bên cạnh đó, hội thảo Viet Nus cũng trao đổi, thảo luận về nghiên cứu thực nghiệm: Dòng neutrino từ bầu khí quyển; dòng neutrino năng lượng cao; nghiên cứu về hạt neutrino-tau; neutrino từ mặt trời; các vấn đề trong máy gia tốc neutrino; hạt sterile neutrino. Ngoài mục đích nghiên cứu, đây là dịp cho sinh viên trong các trường ĐH, người trẻ có đam mê làm khoa học ở Việt Nam có cơ hội tham gia vào các khóa nghiên cứu khoa học cùng các chuyên gia thế giới. Hội thảo thu hút 28 nhà khoa học, trên 12 quốc gia, lãnh thổ. Tạo điện chiếu sáng từ… nước thải nhà vệ sinh Ngày 14/7 báo điện tử Khám phá đưa thông tin, tận dụng nước thải từ hoạt động vệ sinh của con người để phát điện chiếu sáng nhà vệ sinh – Đây là dự án vừa đoạt giải nhất tại Vòng chung kết cuộc thi Giải pháp xanh cho thành phố - Go green in the city 2017. Dự án có cái tên khá lạ tai: “Toilet mini generator” – “Máy phát điện mini và pin tạo điện từ nước tiểu”, là công trình nghiên cứu của Nguyễn Công Tín và Nguyễn Thị Thanh - sinh viên Đại học Duy Tân, Đà Nẵng dưới sự hướng dẫn của TS Trần Nhật Tân – Giảng viên nhà trường. Máy phát điện mini này có thể lắp ở nhiều loại vòi nước, bồn rửa tay,… và nhiều khu vực khác ngoài nhà vệ sinh. Máy sử dụng nước tiểu như một loại nguyên liệu chính để tạo điện. Loại pin từ nước tiểu này hoạt động theo kiểu pin điện hóa, nguồn điện tạo ra từ đây sẽ được lưu trữ để thắp đèn chiếu sáng tại những địa điểm công cộng chưa có hệ thống đèn điện hoàn chỉnh. Sau khi giành giải nhất quốc gia tại cuộc thi Go green in the city 2017 tổ chức tại TP HCM, nhóm của Tín và Thanh sẽ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia tranh tài tại Go green in the city khu vực Đông Á, tổ chức trong tháng 7/2017. Hà Trang (Tổng hợp)
|