Bản in
Nâng cao vai trò hoạt động TĐC trong thời kỳ hội nhập và phát triển
Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) ngày càng thể hiện được vai trò không thể thiếu trong công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước trước xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng.

 Gần 10.000 TCVN được lưu hành

Theo báo cáo của Tổng cục TĐC, việc xây dựng quy chuẩn Việt Nam ( QCVN) là một trong các nhiệm vụ chính của Tổng cục TĐC. Các QCVN có vai trò ngày càng quan trọng và trở thành trọng tâm của hoạt động thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, đời sống.  Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người. Việc ban hành các QCVN cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Công tác tiêu chuẩn hóa được triển khai rộng khắp, hỗ trợ đầy đủ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện có trên 9.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), trong đó 47% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và hơn 650 QCVN, do 13 bộ xây dựng, ban hành và đang trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý kinh tế- xã hội của đất nước.
 
Ngoài ra, cùng với sự hoạt động hiệu quả của Luật Đo lường,  hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã đã cơ bản đáp ứng về nhu cầu đảm bảo về đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Để phục vụ sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đo, 33 phép đo của Việt Nam đã được Tổ chức Đo lường quốc tế công nhận (CMCs/CIPM) trong 6 lĩnh vực đo lường gồm: Độ dài, khối lượng, dung tích lưu lượng, áp suất, thời gian tần số, nhiệt độ.  Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chấ lượng. Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản, phù hợp với thông lệ quốc tế.
 
Bên cạnh đó, trong hoạt động quản lý chất lượng, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản dưới luật đã ra đời, ngày càng thể hiện rõ vai trò đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, vừa nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kiểm tra hàng hóa trong quá trình sản xuất, lưu thông. Sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ cả trước và sau khi đưa ra thị trường.  Các hoạt động quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã được đẩy mạnh và đáp ứng đúng với chuẩn mực và tập quán quốc tế, giúp xoá bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
 
Nâng cao vai trò TĐC
 
Đánh giá về hoạt động TĐC trong hợp tác quốc tế, Tổng cục trưởng TĐC Trần Văn Vinh cho biết, hoạt động hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực TĐC trong thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu. Tổng cục TĐC hiện là cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng và mã số mã vạch; duy trì hợp tác thường xuyên với hơn 30 tổ chức quốc tế, một số nước trên thế giới và khu vực.
 
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân trao bằng khen cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc, có thành tích và nhiều đóng góp trong phong trào năng suất - chất lượng và hoạt động của GTCLQG trong 20 năm qua.
Trong quá trình đàm phán các hiệp định, tham gia vào các tổ chức, TĐC đã đảm bảo được lợi ích quốc gia, tranh thủ và khai thác tối đa sự giúp đỡ và ủng hộ của các tổ chức này nhằm thúc đẩy hoạt động TĐC tại Việt Nam. “Việc tham gia các tổ chức quốc tế và khu vực trong nhiều năm qua đã giúp xây dựng nên chính sách về TĐC phù hợp với bài bản quốc tế, góp phần tích cực tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trên trường quốc tế” ông Vinh nhấn mạnh.
 
Về vai trò dẫn dắt cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường của Tổng cục TĐC thời gian qua, Tổng cục trưởngTrần Văn Vinh cho biết, hiện nay Tổng cục TĐC được giao chủ trì Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình đã tạo ra một phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp nhằm tiết kiêm nguyên nhiên liệu sản phẩm hàng hóa, tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, đã và đang tạo bước chuyển biến về năng suất và chất lượng các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
 
Đồng thời, Tổng cục TĐC đã tổ chức xây dựng, triển khai, cấp và quản lý hệ thống mã số mã vạch quốc gia cho sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, cung cấp thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, tạo ra sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hỗ trợ sản xuất đối với doanh nghiệp góp phần nâng cao uy tín và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trong và ngoài nước. Đặc biệt, nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gắn với việc thúc đẩy vai trò của kinh tế tư nhân, Tổng cục TĐC đã đi tiên phong trong hoạt động hỗ trợ các SME qua các hoạt động như: Đào tạo chuyên gia TOT phát triển SMEs, các khóa huấn luyện đào tạo cho các doanh nhân, Khởi sự và hoàn thiện SMEs và nhiều hoạt động khác. Kinh nghiệm hỗ trợ SMEs của các nước trên thế giới và châu Á đã được đúc kết để trình tổ công tác của Chính phủ soạn thảo Nghị định và hiện nay là Luật về SMEs. Qua những hoạt động này Tổng cục đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò của SMEs trong nên kinh tế thời kỳ đổi mới.
 
Cũng theo ông Vinh, để góp phần thực hiện mục tiêu tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh đồng thời tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, với quyết tâm cao, hoạt động TĐC sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa để đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
 
Bài, ảnh: Hoàng Phiêu