|
|||
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, các Chi cục Quản lý thị trường 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phát hiện hơn 11.420 vụ vi phạm (tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016), xử lý hơn 10.320 vụ (tăng 7%), với tổng số tiền phạt và bán hàng tịch thu là hơn 119,4 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm 2016). Kết quả này đạt được là nhờ Quy chế phối hợp được ký kết giữa các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam, góp phần tạo điều kiện cho các Chi cục trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các Chi cục Quản lý thì trường trong khu vực.
Dù đã có những bước đột phá trong tác, kiểm tra, xử phạt của cơ quan chức năng nhưng nhìn chung, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp.
Các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động. Hàng hóa nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, đường cát, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mỹ phẩm, mắt kính, đồng hồ đeo tay, rượu, đồ chơi trẻ em, phụ tùng ô tô, điện thoại di động…
“Để ngăn chặn hàng gian hàng giả, gian lận thương mại, trong 6 tháng cuối năm các chi cục phía Nam sẽ thường xuyên tổ chức, học tập kinh nghiệm về nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả trong công tác. Thực hiện việc phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác nghiệp vụ xử lý để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, cần tuyên truyền vận động các tổ chức các nhân, người dân nâng cao nhận thức, không tiếp tay, không buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng”, ông Kiếm phát biểu về các giải pháp cơ bản.
Bên cạnh đó, các Chi cục Quản lý thị trường khu vực phía Nam kiến nghị Bộ Công Thương đơn giản thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công; ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ; đồng thời tăng khung tiền phạt đối với hành vi kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...
Ngoài ra, Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về công tác chống buôn lậu, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá. |