Bản in
Cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động kiểm tra chuyên ngành
Việc thực thi Nghị quyết 19-2017/NQ-CP nhằm cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và ATTP đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực cho DN xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.

Đây là nhận định của các chuyên gia và DN tại hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng tưởng toàn diện (GIG) của USAID tổ chức ngày 20/6 tại TP. HCM.

 Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả cải cách hành chính trong công tác kiểm tra chuyên ngành so với yêu cầu của Chính phủ vẫn còn những vướng mắc. Nên, để thay đổi, theo ông Cung, cần tìm vấn đề mấu chốt, thay bàn dàn trải như lâu nay.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu giảm được 1 ngày thủ tục thông quan sẽ giúp DN tiết kiệm được khoảng 200 USD/lô hàng. Hiện tại, mỗi năm cả nước ta có 36% số lô hàng bị kiểm tra, cao gấp 3 lần các nước EU.

Để giảm tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành, trong thời gian qua, mặc dù Nghị quyết 19 đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung liên tục để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước cũng như của DN, nhưng hiện nay những quy định về tiêu chuẩn chất lượng vẫn tạo những ràng buộc, gây khó cho DN.

Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án USAID-GIG cho biết, diện hàng hóa phải kiểm tra chất lượng quá rộng. Tất cả hàng hóa nhóm 2 đều phải kiểm tra trước thông quan. Biện pháp quản lý này là quá mức cần thiết đối với phần lớn hàng hóa nhóm 2, nhất là đối với các mặt hàng máy móc, thiết bị, hàng công nghiệp, chế biến sâu… gây tốn kém về thời gian và chi phí cho DN.

Thực tế cho thấy, có những sản phẩm có danh mục nhưng chưa có quy định, quy chuẩn quản lý, nên cơ quan quản lý gặp khó khăn; chồng chéo giữa đơn vị quản lý; hoạt động kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ, ngành còn khác nhau. Có bộ thì giao cho tổ chức đánh giá phù hợp; có bộ thì cấp giấy chứng nhận trực tiếp. Các bộ đưa ra yêu cầu quy chuẩn, nhưng không đưa ra hướng dẫn quản lý, nên lúng túng cho cả cơ quan thực thi lẫn tổ chức đánh giá sự phù hợp trong áp dụng.
 
Hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm” ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực để tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
 
Hội thảo “Thực thi Nghị quyết 19: Cải cách các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm” ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực để tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
 
Trước thực trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, cần tách bạch hoạt động quản lý Nhà nước với hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp theo hướng xã hội hóa. Đồng thời, thực hiện thống nhất các tiêu chuẩn năng lực cho tổ chức đánh giá sự phù hợp, tránh thực tế mỗi bộ ban hành một tiêu chuẩn khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương cũng cho rằng, cần rà soát danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2; thay đổi cơ chế quản lý hàng hóa nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm; khuyến khích tổ chức đánh giá sự phù hợp thực thiện đánh giá tại nguồn… Bên cạnh đó, các quy định chỉ nên thực hiện tiền kiểm với những hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn hoặc DN đăng ký tiền kiểm.

Song song đó, thực hiện đồng bộ các cải cách quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa như đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Thanh Bình cho rằng cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của từng doanh nghiệp; áp dụng chế độ DN ưu tiên.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đưa ra nhận định: Kiểm tra chuyên ngành không chỉ dựa trên luật quản lý chất lượng sản phẩm hóa mà còn dựa vào nhiều điều luật khác như tiết kiệm năng lượng, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm và trên thực tế các điều luật này vẫn có rất nhiều sự chồng chéo và mẫu thuẫn với nhau.

“Tuy nhiên theo tinh thần của Nghị quyết 19, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã nỗ lực tham mưu cho Bộ Khoa học và Công nghệ để cụ thể hóa khung pháp lý về vấn đề hậu kiểm để cho các bộ ngành có thể áp dụng tương ứng  với mức độ của sản phẩm hàng hóa do bộ ngành được giao quản lý. Và đề thực hiện tốt việc này cần phải có đổi mới mạnh mẽ hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành", ông Linh cho biết. 

Tại hội thảo, ông Cung đề xuất về vấn đề kiểm tra chuyên ngành có lẽ cần chuyển vai trò dẫn dắt từ Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan như lâu nay sang Bộ Khoa học và Công nghệ. "Tôi sẽ báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ý kiến này", ông Cung nói.