Bản in
Nâng cao năng lực các tổ chức thử nghiệm hướng đến chuẩn quốc tế
Nhiều thị trường quốc tế ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, đặc biệt là với thực phẩm nên vai trò của các phòng thử nghiệm ngày càng quan trọng.

 Thử nghiệm - cầu nối thị trường

Cuối năm 2016, tin vui đến với ngành da - giày Việt Nam khi sản phẩm được thị trường EU chấp nhận nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của EU. Đây là kết quả của 30 tháng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành da - giày Việt Nam tham gia tiểu dự án Đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật giúp nâng cao năng lực tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của EU đối với sản phẩm xuất khẩu; xây dựng các dịch vụ tư vấn và thử nghiệm đạt chất lượng quốc tế được các nhà cung cấp có uy tín công nhận với chi phí phù hợp.
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh nhận định, thử nghiệm là công cụ hữu hiệu giúp tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước và là cầu nối giúp sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tham gia thị trường thế giới dễ dàng hơn.
 
Do đó, việc nâng cấp các phòng thử nghiệm đã được chú trọng. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL), các phòng thử nghiệm của Tổng cục đặt tại các trung tâm kỹ thuật TCĐLCL ở Hà Nội, Đà Nẵng và Biên Hòa gần đây được bổ sung nhiều thiết bị thế hệ mới, tiên tiến ngang với trình độ quốc tế, có khả năng thử nghiệm nhiều chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn của nhiều loại hàng hóa.
 
Thực hiện đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm kỹ thuật TCĐLCL thuộc các tỉnh, thành phố theo Quyết định số 317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các trung tâm kỹ thuật TCĐLCL tỉnh, thành phố trực thuộc chi cục TCĐLCL địa phương đã được đầu tư để có khả năng thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, vệ sinh, an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 - nhóm có khả năng gây mất an toàn như xăng, nhiên liệu diesel, mũ bảo hiểm, sản phẩm điện, điện tử, nhiên liệu sinh học, đồ chơi trẻ em.
 
“Nhiều bộ, ngành khác cũng đã đầu tư tăng cường các tổ chức thử nghiệm, giám định đủ năng lực đánh giá sản phẩm hàng hóa nhóm 2 với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Một số bộ quản lý chuyên ngành đã sử dụng tổ chức thử nghiệm thuộc các ngành khác để phục vụ yêu cầu đánh giá sự phù hợp sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của mình với quy chuẩn Việt Nam” - ông Linh cho biết.
Nhiều tổ chức thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế
Việt Nam được đánh giá là đang thay đổi nhanh về kinh tế - kỹ thuật, KH&CN. Theo Tổng cục TCĐLCL, hiện cả nước có hơn 1.000 tổ chức thử nghiệm được công nhận đáp ứng các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, nhiều thị trường quốc tế - đặc biệt là EU - yêu cầu cao về chất lượng nên ngày càng áp dụng những quy định, tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy, vai trò của các phòng thử nghiệm càng trở nên quan trọng trong việc tăng năng lực cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
 
Theo ông Linh, để đảm bảo độ chính xác, thống nhất kết quả của các tổ chức thử nghiệm, cơ quan quản lý có vai trò định hướng, thanh - kiểm tra. Các tổ chức này phải tuân thủ đúng phương pháp thử nghiệm do bộ quản lý chuyên ngành quy định, các quy định pháp luật về lĩnh vực thử nghiệm. Nghĩa là phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, các thử nghiệm viên phải được đào tạo phù hợp với lĩnh vực thử nghiệm, phải tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo và so sánh liên phòng...
 
“Đối với chỉ tiêu mà các phòng thử nghiệm trong nước chưa có năng lực thử nghiệm, cần tăng cường hoạt động thừa nhận lẫn nhau, đồng thời sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm nước ngoài” - ông Linh cho biết.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Châm, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1, sự gia tăng về số lượng, của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đặc biệt các tổ chức quốc tế có uy tín tạo ra một chu trình khép kín đối với sự lưu thông hàng hóa giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật dẫn đến việc xuất hiện các loại sản phẩm mới, những yếu tố mới truyền thống và phi truyền thống, các Tiêu chuẩn Kỹ thuật và Phương pháp thử phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu nên đòi hỏi hàng năm Trung tâm phải liên tục nâng cao năng lực kỹ thuật của các Thử nghiệm viên, và trang thiết bị thử nghiệm.
 
"Hiện tại, Trung tâm có 8 phòng thử nghiệm trải đều trên tất cả các lĩnh vực, (PTN cơ khí và vật liệu xây dựng; điện – điện tử và hiệu suất năng lượng; hàng tiêu dùng; thực phẩm; Môi trường và hóa chất; xăng – dầu - khí; không phá hủy (NDT) – an toàn công nghiệp; vi sinh và GMO). Được trang bị nhiều máy móc thiết bị hiện đại, toàn bộ các phòng thử nghiệm trong Trung tâm đã được công nhận theo ISO 17025', ông Châm cho biết.
 
Hiện nay trong bối cảnh hội nhập sâu của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa đã đặt ra không ít những thách thức. Trong đó, nâng cao năng lực các phòng thử nghiệm đang đặt ra cho nhiều tổ chức thử nghiệm những yêu cầu đổi mới để thích ứng trong giai đoạn bắt đầu của cuộc cách mạng 4.0.