Bản in
77 doanh nghiệp được Thủ tướng tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia tôn vinh thành tích nổi bật của doanh nghiệp trong hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, có đóng góp lớn cho xã hội.

Ngày 8/5/2016 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHC&N) tổ chức Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG); Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương (GPEA) năm 2015 và Lễ tôn vinh 20 năm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Đây là hoạt động trọng điểm nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày khoa học công nghệ Việt Nam (18/5) năm 2016.

Tham dự buổi Lễ trao GTCLQG có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên TƯ Đảng - Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện của các cơ quan, ban ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đạt giải.

Phát biểu khai mạc Lễ trao GTCLQG, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho biết, GTCLQG được thực hiện hàng năm nhằm xem xét, đánh giá và trao giải thưởng về chất lượng cho những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc, nổi bật trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; tham gia tích cực phong trào năng suất - chất lượng của Việt Nam. GTCLQG đã góp phần nâng cao năng lực vật chất, kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình tăng cường sự hội nhập kinh tế của đất nước với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được thiết lập và triển khai trên cơ sở chấp nhận mô hình và 7 tiêu chí Giải thưởng Chất lượng của các nước tiên tiến và thuộc hệ thống Giải thưởng GPEA của Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương. Từ năm 2000, Việt Nam liên tục đề cử 2 đến 3 doanh nghiệp Việt Nam tham gia và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Sự tham gia GTCLQG hàng năm đã và đang tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý của mình thông qua việc áp dụng các thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bước đường hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

GTCLQG được xét tặng cho 4 loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn; Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ. Việc đánh giá và tuyển chọn Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển tỉnh, thành phố và Hội đồng quốc gia. Quy trình đánh giá và xét thưởng được thực hiện chặt chẽ, thống nhất dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan với sự tham dự của hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, tổ chức có liên quan.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân trao bằng khen cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc, có thành tích và nhiều đóng góp trong phong trào năng suất - chất lượng và hoạt động của GTCLQG trong 20 năm qua.

“Trao GTCLQG chính là việc ghi nhận doanh nghiệp đạt giải thực sự đã có những thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Thông qua đó, uy tín và vị thế của doanh nghiệp ngày một nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, nhưng hơn hết vẫn là cơ hội để doanh nghiệp tự hoàn thiện mình thông qua các tiêu chí của GTCLQG”.Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho hay.

Theo Ban tổ chức, trong một cuộc điều tra, khảo sát các doanh nghiệp đạt giải giai đoạn 1996 - 2015 và các Hội đồng sơ tuyển GTCLQG tỉnh, thành phố từ tháng 2 đến tháng 3/2016 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) thực hiện cho thấy: (1) Đối với doanh nghiệp được khảo sát: 100% cho rằng GTCLQG giữ một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những lợi thế cạnh tranh trong tương lai; 81% cho rằng Giải thưởng đem lại hiệu quả cho hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động SXKD hơn các hệ thống, công cụ quản lý khác; trên 95% cho rằng Giải thưởng có vai trò quan trọng đối với các mục tiêu chiến lược của DN. (2) Đối với hội đồng sơ tuyển được khảo sát: 95% cho rằng Giải thưởng được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý và cải tiến hoạt động SXKD; 95% cho rằng Giải thưởng là công cụ cải tiến rất quan trọng đối với DN; 100% cho rằng Giải thưởng đem lại hiệu quả cho hệ thống quản lý và hiệu quả hoạt động SXKD hơn các hệ thống, cộng cụ quản lý khác.

Cho đến nay, GTCLQG là giải thưởng duy nhất về năng suất chất lượng do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng hàng năm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Ngày 26/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 311/QĐ-TTg tặng GTCLQG năm 2015 cho 77 doanh nghiệp, trong đó tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia cho 20 doanh nghiệp và Giải Bạc Chất lượng Quốc gia cho 57 doanh nghiệp.

Để ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của GTCLQG, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 10 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc, có thành tích và nhiều đóng góp trong phong trào năng suất - chất lượng và hoạt động của GTCLQG trong 20 năm qua.

Trong khuôn khổ buổi Lễ, Bộ KH&CN công bố kết quả trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2015 cho 03 doanh nghiệp của Việt Nam gồm: Công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam OSCVN (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long (Thành phố Hồ Chí Minh); Công ty TNHH Nam Dược (tỉnh Nam Định).

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao những cố gắng của Bộ KH&CN, Tổng cục TĐC, các Bộ ngành, các địa phương trong công tác tổ chức triển khai thành công hoạt động GTCLQG trong suốt 20 năm qua.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương mong muốn GTCLQG sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu trong 20 năm qua, đồng thời đóng góp cho thành công của Phong trào Năng suất - Chất lượng tại Việt Nam nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Qua đó, Giải thưởng sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, ngoài việc đổi mới Giải thưởng như: hoàn thiện hệ thống văn bản, tiêu chí giải thưởng, quy trình xét thưởng, sự tham gia của các bên liên quan, hoạt động tuyên truyền, đào tạo,…  Cơ quan chủ trì triển khai GTCLQG ở trung ương và địa phương cần tiếp tục định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận Giải thưởng. “Đây chính là giá trị gia tăng mà GTCLQG đem lại và cũng là cách để lôi cuốn được nhiều doanh nghiệp tham gia, áp dụng GTCLQG không chỉ để đạt giải mà còn với mục đích trên hết là tự hoàn thiện mình để vươn đến sự hoàn thiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý” Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp, Văn Nguyên