Bản in
Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gắn với bài toán hội nhập
Để bảo hộ sản xuất nội địa, các nước đều dựng lên các rào cản về kỹ thuật mà cụ thể là hàng loạt quy định về tiêu chuẩn chất lượng. Điều này đang đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam những thách thức về việc nâng cao chất lượng hàng hoá, năng lực để có đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng.
 
Xin ông cho biết hiện nay công tác phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đảm bảo đạt được mục tiêu đáp ứng nhu cầu hội nhập của Việt Nam hay chưa?
 
Ông Nguyễn Nam Hải: Mục tiêu xây dựng 4.000 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) trong giai đoạn I của Chương trình 712 đã được thực hiện vượt chỉ tiêu. Cụ thể, đến 2015 số lượng TCVN được xây dựng ở giai đoạn I là 4.485 TCVN, đưa tổng số tiêu chuẩn quốc gia đạt trên 8.800 TCVN; tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là 45%.
 
Hiện nay, theo lĩnh vực được phân công, các bộ ngành đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đến nay đã có hơn 700 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) được các Bộ quản lý chuyên ngành/ lĩnh vực ban hành. Các QCVN được xây dựng, đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
Có thể khẳng định công tác phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã đáp ứng được tiến độ theo lộ trình hội nhập của Việt Nam. Đến năm 2020, phấn đấu xây dựng được 6.000 TCVN, 60% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ có một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ cho tất cả các lĩnh vực KT-XH làm cơ sở hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của Việt Nam trong giai đoạn tới.
 
Việt Nam đã là thành viên của nhiều tổ chức và khu vực quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL, vậy chúng ta có thể học hỏi gì ở họ trong lĩnh vực nâng cao NSCL hay không?
 
Ông Nguyễn Nam Hải: Hợp tác quốc tế được coi là một trong các nguồn lực quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động TCĐLCL cả về cơ sở vật chất và trình độ cán bộ. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng  với khu vực và thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN nói chung và lĩnh vực TCĐLCL nói riêng đòi hỏi phải được đẩy mạnh, chuyển từ tranh thủ sự hỗ trợ là chủ yếu sang hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
 
Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ nghĩ vụ thành viên của Việt Nam trong các tổ chức khu vực và quốc tế, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TCĐLCL cần tập trung hỗ trợ việc triển khai ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu qủa các hiệp định/ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong ASEAN, APEC, WTO, TPP, đặc biệt RMA với các nước có giá trị hàng hóa trao đổi thương mại lớn với nước ta nhằm góp phần tích cực thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đẩy mạnh học hỏi kinh nghiệm từ các điển hình tốt về năng suất của các nước trong khu vực và thế giới.
 
Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ chuyên gia về NSCL, trong giai đoạn tới công tác xây dựng đội ngũ này sẽ được thực hiện như thế nào?
 
Ông Nguyễn Nam Hải: Thực tế thành công hay thất bại của phong trào năng suất chất lượng nói chung, của hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng thông qua việc áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nói riêng phụ thuộc nhiều về tính chuyên nghiệp của đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng ( NSCL).
 
Đối với nước ta, đội ngũ chuyên gia về NSCL còn đang rất thiếu, trình độ chuyên nghiệp chưa cao. Các chuyên gia NSCL chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, tại địa phương lực lượng này rất mỏng. Do đó, các Bộ, ngành, địa phương cần sớm có kế hoạch cụ thể để đầu tư đào tạo cho được đội ngũ chuyên gia nòng cốt về NSCL, đồng thời có chính sách, chế độ để duy trì và phát triển đội ngũ chuyên gia này.
 
Trong giai đoạn tới, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về năng suất, chất lượng cho đội ngũ chuyên gia NSCL thuộc các ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đưa nội dung đào tạo NSCL vào chương trình đào tạo của các trường đại học, dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về KH&CN.Từ đó hình thành được đội ngũ chuyên gia hoạt động chuyên nghiệp về NSCL trong cả nước.
Trong định hướng hoạt động nâng cao NSCL của Bộ - Ngành - Địa phương  giai đoạn tới, Bộ KH&CN tập trung vào những giải pháp nào?
 
Ông Nguyễn Nam Hải: Để triển khai thực hiện giai đoạn 2 Chương trình năng suất chất lượng quốc gia đạt hiệu quả, một số giải pháp được đưa ra  như sau:Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cấp quản lý đối với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình; Tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu, triển khai về năng suất chất lượng. Đầu tư nâng cao năng lực Viện Năng suất Việt Nam thành Viện Năng suất quốc gia. Đẩy mạnh học hỏi từ các điển hình trên thế giới về năng suất.
 
Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên bố trí kinh phí NSNN; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng nguồn vốn đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình, dự án (kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ...);
 
Thực hiện phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình Năng suất Chất lượng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, trước hết là các chương trình, dự án về áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển giao, đổi mới công nghệ, nghiên cứu triển khai... có cùng mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành, địa phương; Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động năng suất và chất lượng.
 
Bài, ảnh: Đăng Minh