|
|||
Xăng dầu thành “nạn nhân” điển hình của đong gian Theo ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), hoạt động đo lường ở nước ta đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, độ chính xác, chuẩn quốc gia, thiết bị sao truyền. Hành vi vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn đã thành phổ biến. Vì vậy “việc ban hành Luật Đo lường là rất cần thiết và cấp bách”.
Để ngăn chặn hành vi gian lận, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, bà Mai đề nghị cần quy định cụ thể chế tài xử lý nghiêm minh, đủ mạnh và có tính răn đe cao trong Luật. “Nên áp dụng phương pháp phạt kép, chẳng hạn như vừa phạt hành vi vi phạm về đo lường, vừa phạt hành vi vi phạm về gian lận hàng hóa trong thương mại. Có như vậy thì Luật mới nghiêm minh được”, ĐB này nhấn mạnh. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng, hiện nay người tiêu dùng bị áp lực ngày càng tăng về các hành vi vi phạm quy định về đo lường phát sinh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch, kết quả xét nghiệm trong y học, kinh doanh vàng bạc và một số vấn đề trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn có nhiều bất cập và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn chưa đủ răn đe, hoạt động thanh tra chủ yếu theo hình thức thanh tra định kỳ có báo cáo trước. Vì vậy, ĐB Tuyết đề nghị: “Ngoài hình thức xử hành vi hành chính đo lường bằng việc thực hiện tối đa 5 lần số tiền thu được do vi phạm thì nên quy định thêm trường hợp tùy tính chất mức độ vi phạm có thể truy cứu hình sự. Đồng thời, cần quy định rõ hơn cách quản lý, sử dụng nguồn tịch thu từ vi phạm để thực hiện vấn đề quản lý đo lường được tốt hơn”. “Cần quy định chế tài các hành vi vi phạm theo hướng như tính mức xử phạt trong Luật an toàn thực phẩm đã thông qua và sắp có hiệu lực thi hành, tức là gấp 7 lần vi phạm. Mức xử phạt được tính trên mức sai lệch phương tiện đo lường và thời gian vi phạm”, ĐB Võ Thị Dễ (Long An) cũng đề nghị tương tự. Đồng tình cao với kiến nghị của bà Dễ, ĐB Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) cho rằng, “hành vi gian lận đo lường phải phạt nặng thì người ta mới ngán. Chứ những đơn vị mà chúng ta phát hiện họ sai phạm thì họ thu lợi bất chính rất nhiều, nhưng mức xử phạt hành chính hiện nay là chưa đủ sức răn đe, nhất là những cột bơm xăng dầu”.
Chấm dứt tình trạng doanh nghiệp “vừa đá bóng vừa thổi còi” Một trong những nội dung khác của dự thảo Luật Đo lường thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ĐB khi thảo luận là kiểm định các phương tiện đo. ĐB Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) băn khoăn trước tình trạng hiện còn một số lượng không nhỏ tổ chức kiểm định phương tiện đo ở trong các lĩnh vực như điện năng, nước sạch, xăng dầu cũng đồng thời là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa dịch vụ này và cho rằng, đó là hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi. Để đảm bảo tính khách quan, chính xác và minh bạch trong hoạt động đo lường, bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo công bằng, khách quan trong mua bán, bà Mai đề nghị “cần có đơn vị kiểm định thiết bị đo lường độc lập được các tổ chức quốc tế công nhận để đảm đương nhiệm vụ này”. “Trong thực tế còn nhiều đơn vị, tổ chức vừa có chức năng kiểm định phương tiện đo vừa làm nhiệm vụ sự nghiệp và cả kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực xăng dầu, điện, nước không đảm bảo sự khách quan. Do đó cần có khoản mục quy định các biện pháp nhằm loại bỏ những tồn tại tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và các hoạt động sự nghiệp kinh doanh cũng là nhằm thực hiện cải cách thể chế của chương trình cải cách tổng thể hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010”, ĐB Rcom Sa Duyên (Gia Lai) hưởng ứng. Cùng quan điểm, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) đề xuất nên quy định thêm trong Luật xã hội hóa hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm, kiểm định phương tiện đo, bởi vì theo Tờ trình của Chính Phủ thì hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng 60 đến 70% nhu cầu kiểm định, đồng nghĩa với việc còn 30 đến 40% số phương tiện đo thuộc danh mục phải kiểm định nhưng chưa được kiểm định, và trên thực tiễn có thể con số đó còn lớn hơn nhiều. “Trên thị trường hiện nay, các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, do đó để giảm thiểu tình trạng này, hoạt động đo lường, nhất là đo lường pháp định cần quan tâm tập trung hơn nữa về vấn đề kiểm định hiệu chuẩn các phương tiện đo, đảm bảo các phương tiện đo hoạt động đúng. Đồng thời, các hoạt động thanh tra, kiểm tra các loại hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội như xăng dầu và nhiều hoạt động bán lẻ khác cũng cần được quan tâm và thể hiện đầy đủ trong dự án Luật”, ĐB này nhấn mạnh.
VTC
|