|
|||
PV: Ông có thể cho biết, tại sao ngày 14/10 hàng năm được chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới? Vụ trưởng Nguyễn Minh Bằng: Ngày 14/10/1946, tại Luân Đôn (Thủ đô nước Anh) đại diện của 25 quốc gia đã họp và nhất trí thành lập tổ chức quốc tế mới trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa với tên gọi là Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế - International organization for Standardization (ISO). Tổ chức ISO chính thức hoạt động từ năm 2007 với mục tiêu được xác định trong tuyên bố ngày 23/2/1947 là “Thúc đẩy sự phối hợp và liên kết quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn công nghiệp”. Đến năm 1970, theo sáng kiến của Chủ tịch ISO – Ngài Faruk Sunter, ngày 14/10 được chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Ngày 14/10 được tổ chức hằng năm nhằm đề cao vai trò của hoạt động tiêu chuẩn hóa trên thế giới và tôn vinh nỗ lực và sự đóng góp của những người đã và đang tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế tự nguyện áp dụng. Đồng thời, đây còn là dịp để các quốc gia thành viên ISO triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt trong việc đáp ứng các yêu cầu của các giới kinh doanh, công nghiệp, quản lý và người tiêu dùng ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Như vậy, ngoài mục đích nêu trên, Ngày Tiêu chuẩn Thế giới 14/10 hằng năm cũng là dịp kỷ niệm ngày thành lập của ISO. PV: Vậy trong hai năm qua (2013 – 2014), Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật gì về hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật? Vụ trưởng Nguyễn Minh Bằng: Tôi cho rằng, các hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam trong 2 năm 2013-2014 đã có những điểm sáng tích cực cần được ghi nhận và phát huy dựa trên một số thành tựu như: công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các Bộ, ngành đã tổ chức xây dựng dự thảo các văn bản luật, văn bản pháp quy cấp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phổ biến, triển khai áp dụng các văn bản này sau khi được ban hành; công tác lập kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hằng năm được triển khai theo hướng mở và linh hoạt hơn; sự phối hợp giữa các các Bộ, ngành với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày càng được tăng cường,… Có thể nói, tính đến nay, các TCVN, QCVN sau khi được công bố/ban hành đã được các Bộ, ngành sử dụng (viện dẫn) rộng rãi trong các Thông tư, Nghị định do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo. Hiện nay, tuy chưa có con số thống kê chính thức về tần suất sử dụng (viện dẫn) này nhưng có thể nói, các Bộ, ngành đều sử dụng TCVN, QCVN làm căn cứ kỹ thuật cho các chính sách, quy định chuyên ngành mình. PV: Ông có thể nói rõ hơn các cơ quan, ban ngành nào cần tập trung hơn nữa vào Hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn? Vụ trưởng Nguyễn Minh Bằng: Về hoạt động tiêu chuẩn, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (LTCQCKT), đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn gồm: sản phẩm, hàng hóa; dịch vụ; quá trình; môi trường và các đối tượng khác của hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Với những đối tượng được quy định nêu trên, phạm vi của hoạt động tiêu chuẩn hóa Việt Nam rõ ràng là rất rộng, bao quát mọi hoạt động của nền kinh tế-xã hội của đất nước và cần có sự tham gia của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên thực tế, Kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm được lập trên cơ sở tập hợp, xử lý đề xuất của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân mà không có sự phân biệt, giới hạn nào cả. Tuy vậy, trong những năm gần đây, căn cứ vào các nguồn lực và năng lực tổ chức xây dựng TCVN, hoạt động xây dựng TCVN đã và đang được triển khai theo những định hướng ưu tiên xác định như: xây dựng TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế (trong khuôn khổ Chương trình 712), cho các yêu cầu cấp thiết về quản lý và sản xuất, kinh doanh (do các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đề xuất/yêu cầu); những yêu cầu về hội nhập kinh tế;… Đối với hoạt động quy chuẩn kỹ thuật, hiện nay, đã có 13 Bộ xây dựng, ban hành QCVN theo quy định của LTQCKT và đã có 9 Bộ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cần lưu ý rằng, theo mục tiêu của Chương trình 712 thì đến hết năm 2015 thì 100% sản phẩm, hàng hóa Nhóm 2 phải được quản lý bằng QCVN. Tuy nhiên, cho đến nay mới có Bộ KH&CN thực hiện được việc này còn các Bộ quản lý chuyên ngành khác phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu này.
Tiêu chuẩn hóa đã và đang tạo lợi thế cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp PV: Vai trò của hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay như thế nào thưa ông? Vụ trưởng Nguyễn Minh Bằng: Để nền kinh tế và hoạt động giao thương của đất nước luôn phát triển với những định hướng, mục tiêu và yêu cầu phù hợp với thực tiễn. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam được xây dựng và phát triển nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO). Đồng thời, bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hoá thương mại, đồng thời, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Hiện nay, Bộ KHCN đang phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan triển khai Dự án “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” thuộc Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu xây dựng các TCVN cho các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của nền kinh tế và tăng cường quản lý các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) bằng QCVN và dành sự ưu tiên đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có kim ngạch cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế để phát triển và hội nhập, Nhà nước không thể quản lý, bao quát được chất lượng của hàng triệu mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú mà cần sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình. Đồng thời, nhà nước tiếp tục đổi mới tư duy quản lý về tiêu chuẩn hoá cũng như phương pháp tiếp cận về quản lý chất lượng thì mới theo kịp và đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. PV: Vậy các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sẽ được lợi gì khi tham gia các hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thưa ông? Vụ trưởng Nguyễn Minh Bằng: Tôi cho rằng, để hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tham gia các hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân cần phải biết các điều kiện như: Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật hiện hành có liên quan (như vậy doanh nghiệp mới có thể đưa sản phẩm, hàng hóa của mình vào lưu thông trên thị trường Việt Nam); Áp dụng TCVN cùng với đánh giá sự phù hợp với TCVN tương ứng - điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, tạo lòng tin cho người tiêu dùng/sử dụng. Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý nhằm giúp doanh nghiệp cải tiến, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất, đảm bảo chất lượng, sử dụng nguồn lực có hiệu quả,… Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có quyền tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với vai trò các bên liên quan để đạt được những lợi ích của chính doanh nghiệp đó cũng như lợi ích chung được đồng thuận trong quá trình xây dựng dự thảo TCVN. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định như vậy và các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân cần thực hiện quyền này. Bài, ảnh: Ngũ Hiệp |