|
|||
Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) bày tỏ quan điểm khi Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường, chất lượng vàng, được áp dụng chính thức vào 1/6 tới. Thưa ông, việc áp dụng thông tư 22 đối với thị trường vàng trong nước sẽ đem lại những hiệu quả gì? Thông tư này được coi là bước đột phá tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với vàng trang sức và mỹ nghệ hướng tới một thị trường vàng công khai, minh bạch; giảm và hạn chế các hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ; xác định rõ phương pháp thử nghiệm làm cơ sở để xử lý vi phạm. Có nhiều ý kiến cho rằng 8 tháng thì không đủ cho các bước chuẩn bị để doanh nghiệp vàng trang sức thực hiện đủ các yêu cầu tại Thông tư 22, ông thấy như thế nào về ý kiến này? Thường ở các nước, bước chuyển dài hơn trước khi thông tư có hiệu lực để các doanh nghiệp chuẩn bị? Thông thường, theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Mặc dù Thông tư 22 được ký ban hành từ ngày 26/9/2013 nhưng ngay từ khi xây dựng, Bộ KH&CN đã tính đến thời gian cần thiết và lộ trình thích hợp để các Doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ có đủ thời gian để thực hiện theo các quy định mới. Do đó, hiệu lực của Thông tư đã được xác định là sau khoảng 8 tháng kể từ khi ký ban hành. Với nội dung này đã nhận được sự đồng tình cao của các cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước, các bên liên quan, kể cả Hiệp hội Kinh doanh vàng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp còn hết sức thụ động trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới mà doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh. Khi chuẩn bị đến thời hạn phải áp dụng theo quy định theo quy định mới thì mới xem xét thực hiện nên bị “khớp”, “hoang mang” khi không hiểu rõ hoặc không đủ nguồn lực để thực hiện theo quy định. Ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp đã rất chủ động trong việc triển khai thực hiện theo Thông tư mới và rất sẵn sàng cho việc thực hiện Thông tư. Tôi đánh giá cao những doanh nghiệp có ý thức như vậy. Mục tiêu của Thông tư 22 nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những DN chân chính Nhiều ý kiến cho rằng, với mức sai số hiện nay của các doanh nghiệp thường là 1 – 3%, trong khi đó theo Thông tư 22 thì mức sai số chỉ là 0,1 – 0,3%?Với quy định này, nhiều DN nhỏ lẻ đang tỏ ra lúng túng không biết làm ăn ra sao. Quan điểm của Tổng cục về vấn đề này như thế nào? Giả sử ý kiến cho rằng mức sai số hiện nay từ 1 – 3% là đúng thì rất có thể vàng 99,99% chỉ còn là 96,99% (sai số 3%). Nếu bạn là người đi mua vàng với tinh thần là mua vàng 99,99%, trả tiền cho vàng 4 số 9 nhưng thực tế hàm lượng vàng của sản phẩm của bạn chỉ ở mức 96,99% thì bạn nghĩ như thế nào? Liệu bạn có sẵn sàng trả tiền cho sự chênh lệch 3% đó? hay đây chính là hành vi gian lận về tuổi vàng để ăn chênh lệch? Trong quá trình xây dựng thông tư, giới hạn sai số cho phép đã được tham khảo của một số quốc gia trên thế giới có những quy định khá tương đồng cũng như đã được lấy ý kiến của Hiệp hội vàng, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan. Đa số đều thống nhất quy định giới hạn sai số này thậm chí có khá nhiều đơn vị đề nghị phải quy định giới hạn sai số nhỏ hơn nữa! Điều này sẽ hạn chế tối đa sự gian lận trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, móc túi người tiêu dùng. Việc phản ứng mạnh chỉ xuất hiện đối với các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất vàng nhỏ lẻ bởi lâu nay họ vẫn tự cho phép sản phẩm của mình có sai số lớn. Tới nay khi bị siết chặt quản lý về số lượng, hàm lượng vàng thì việc họ phản ứng cũng dễ hiểu. Một văn bản quy phạm ra đời chắc chắn sẽ tác động tới nhiều đối tượng. Tuy nhiên cần phải hướng tới đối tượng phổ biến chứ không phải vì lợi ích nhóm nhỏ lẻ. Cụ thể ở đây, trước hết chúng ta phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính chứ không phải vì ai khác! DN cũng gửi kiến nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp xử lý đối với những sản phẩm sản xuất trước ngày 1/6 mà chưa tiêu thụ được và đang được sở hữu bởi người tiêu dùng, hơn nữa cũng cần có phân biệt với vàng nữ trang sản xuất sau mùng 01/6 để tránh hoang mang cho doanh nghiệp và người tiêu dùng? Không có quy nào phân biệt vàng sản xuất trước 1/6 hay sau 1/6. Chỉ có quy định là vàng trang sức mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải đáp ứng quy định theo Thông tư 22 kể từ ngày 1/6. Mục tiêu của Nghị định 24 và Thông tư 22 là bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo công khai minh bạch về việc đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó, từ ngày 01/6/2014, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường phải tuân thủ các quy định tại Thông tư 22 như công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng. Như tôi đã nói, đây không phải là một quy định mới, không tạo thêm thủ tục hành chính. Rất nhiều doanh nghiệp cũng đã ý thức được việc này và sẵn sàng cho việc thực hiện theo quy định tại Thông tư 22. Chỉ có đơn vị nào không chịu thực hiện hoặc không chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để thực hiện hoặc cố tình không tuân thủ sẽ hoang mang khi hiệu lực Thông tư 22 đến gần. Xin cảm ơn ông! |