Bản in
Siết chặt quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em
“Vào tháng 8-9 tới, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ tiến hành đợt thanh tra chuyên đề diện rộng trên toàn quốc về đồ chơi trẻ em. Theo đó, một nghị định mới về xử phạt được thay thế Nghị định 54 (Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ) sẽ áp dụng mức phạt tối đa tương đối cao, đủ để răn đe”.

Ông Trần Minh Dũng – Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết như trên khi trao đổi với phóng viên một số vấn đề liên quan đến cuộc thanh tra này.

- Thưa ông! Hiện người dân rất quan tâm đến chất lượng đồ chơi trẻ em bởi thực tế là nhiều đồ chơi kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường. Vậy thực trạng quản lý vấn đề này như thế nào?

-Ông Trần Minh Dũng: Năm 2009, Bộ đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật về đồ chơi trẻ em theo Luật Tiêu chuẩn (Quy chuẩn 03). Tuy nhiên, để Quy chuẩn đi vào cuộc sống từ năm 2010 Bộ cũng như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có rất nhiều văn bản hướng dẫn đề nghị các cơ sở sản xuất, các chi cục quản lý trên địa phương cũng như các tổ chức chứng nhận trong sản xuất, nhập khẩu những lô hàng nhập hàng về để đảm bảo chất lượng trước khi lưu thông ra thị trường.

 Trên tinh thần đó từ năm 2009 đến 2012 hầu như các sở đã có hoạt động triển khai quản lý, kể cả hoạt động thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt trong năm 2012, thanh tra 11 Sở đã tiến hành thanh tra 109 cơ sở, xử phạt 25 cơ sở vi phạm, chi cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng của 39 tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra 406 cơ sở với khoảng hơn 29 nghìn mẫu đồ chơi, phát hiện khoảng hơn 10 nghìn mẫu không đảm bảo quy định để được lưu thông. Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Bộ KH&CN cũng kiểm tra một số tỉnh cũng thấy rằng tỉ lệ vi phạm chủ yếu phát hiện đó là không hợp quy, không chứng nhận hợp quy, dán nhãn hợp quy không đúng…

Sau khi phân tích thực trạng quản lý và tuân thủ pháp luật qua các cuộc thanh tra, kiểm tra nêu trên, Bộ thấy rằng cho đến thời điểm này có đủ điều kiện để có thể tiến hành cuộc thanh tra diện rộng trên toàn quốc. Thứ nhất, các cơ sở sản xuất, những người sản xuất kinh doanh đồ chơi đủ thời gian nhận thức để áp dụng quy chuẩn 03; các cơ quan quản lý cũng đã có hoạt động quản lý theo trách nhiệm. Thứ nữa là, hạ tầng kỹ thuật đã đáp ứng được yêu cầu quản lý, cụ thể, các Trung tâm kỹ thuật đều có thể kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quy chuẩn. Cho đến nay 7 cơ sở như: Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3, QUACERT  và 3 cơ sở chỉ định của nước ngoài tại Việt Nam cũng đều có thể thử nghiệm các chỉ tiêu cơ lý hóa liên quan đến vấn đề đồ chơi trẻ em. Vì thế cuộc tổng kiểm tra diện rộng trên toàn quốc sẽ đánh giá một cách khách quan hoạt động quản lý đáp ứng, chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.

Nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em không hợp chuẩn. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnam+)

-“Vấn nạn” đồ chơi không an toàn, kém chất lượng không phải mới xuất hiện. Để kiểm soát chặt và tiến tới loại bỏ hoàn toàn những đồ chơi nguy hại này, Bộ đã và đang có những biện pháp cụ thể gì?Đợt thanh tra này sẽ tập trung vào đối tượng nào thưa ông?

Cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em trong nước không lớn, chủ yếu tập trung ở một số thành phố lớn (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội), còn chủ yếu là nhập khẩu (đầu mối nhập khẩu lớn hầu như được kiểm soát), đáng lưu ý nhất là những cửa hàng buôn bán. Đợt này thanh tra sẽ tập trung vào siêu thị lớn (họ có ý thức hơn và có chứng nhận hợp quy).Việc đồ chơi chưa được chứng nhận và công bố hợp quy thì được xử lý ngay theo hành vi chưa chứng nhận, chưa có tem hợp quy đã đưa vào lưu thông và loại đồ chơi này thì không cần phải lấy mẫu, vì đã được xử lý và không được phép đưa vào lưu thông. Nhưng đối với loại đồ chơi đã được chứng nhận và đủ tem hợp quy theo quy định thì các lực lượng thanh tra, kiểm tra quan tâm nếu vẫn còn nghi ngờ thì có thể phải lấy mẫu để thử nghiệm, bởi tem hợp quy có khi được chứng nhận từ lô này rồi lại tự in tự dán vào lô khác, chủng loại đồ chơi khác chưa được chứng nhận. Có như vậy cuộc thanh tra này mới đảm bảo sự tập trung kiểm soát chặt chẽ hơn các loại đồ chơi đưa vào lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai cuộc thanh tra là vấn đề hàng hóa nhập lậu, tiểu ngạch chưa được kiểm soát về chất lượng, đặc biệt là từ các cửa hàng nhỏ lẻ và hộ gia đình bày bán đồ chơi trẻ em từ nguồn nhập không chính thức này. Vì vậy, Bộ KH&CN đã chọn thời điểm vào khoảng tháng 8, tháng 9, tức là thời điểm chuẩn bị Tết Trung thu, nhu cầu mua bán đồ chơi trẻ em nhiều nhất trên thị trường làm đợt cao điểm để tổ chức cuộc thanh tra này.

-Có ý kiến cho rằng các cơ sở sản xuất hay cơ sở nhập khẩu đã “nhờn” với các biện pháp xử phạt hành chính bởi mức xử phạt chưa cao. Vậy nghị định mới có khắc phục được những tồn tại này?

- Hiện nay xử phạt được áp dụng theo Nghị định 54 ban hành năm 2009, tại Điều 16 quy định mức xử phạt 10-15 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất hay cơ sở nhập khẩu hay cửa hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, Nghị định này còn bất hợp lý vì chưa tính đến quy mô, tính chất của hoàng hóa vi phạm, nên áp dụng chưa nhiều. Hiện nay, Bộ đang được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để thay thế Nghị định 54 và phù hợp với luật xử lý vi phạm hành chính mới. Nghị định này sẽ khắc phục được những tồn tại nêu trên và lại có mức phạt tối đa tương đối cao, đủ để răn đe hơn.

- Cuộc tổng thanh tra diễn ra trên diện rộng như vậy thì việc kiểm tra một cách đầy đủ và chất lượng đã là tương đối khó nhưng việc quản lý với tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh đối phó sau thanh tra lại tái diễn vi phạm còn khó hơn. Để hạn chế tình trạng này, Thanh tra KH&CN sẽ phối hợp với đơn vị nào thực hiện?

-Thực sự tranh tra diện rộng đồ chơi trẻ em với mong muốn nâng cao ý thức của người sản xuất kinh doanh và tăng cường sự kiểm soát về thị trường đồ chơi của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đối tượng nhập lậu hiện nay là vấn nạn mà ta chưa kiểm soát được, trong đó đồ chơi trẻ em cũng không phải là ngoại lệ.

Cũng như các cuộc thanh tra chuyên đề những năm trước, không chỉ dừng lại tại cuộc thanh tra diện rộng, mà tùy theo tình hình quản lý tại từng địa phương để có thể tiếp tục thanh tra và việc thanh tra đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong quản lý của Sở tại địa phương. Thực tế năm 2012, khi Bộ chưa phát động nhiều tỉnh vẫn tiến hành thanh tra đối với đồ chơi trẻ em theo trách nhiệm quản lý của họ. Bộ phát động cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề nhằm đánh giá tổng quan, sử dụng sức mạnh của toàn ngành, cùng phối hợp với ngành khác để đánh giá tổng quan hiện trạng trên toàn quốc về ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực này ra sao của đối tượng kinh doanh, buôn bán, sản xuất. Đồng thời cũng nâng cao nhận thức cho họ, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước tại các địa phương, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Sau cuộc thanh tra diện rộng tạo đà cho các tỉnh thực hiệc tiếp tục và duy trì kết quả và thực hiện trách nhiệm quản lý của mình trên thị trường.

Do cửa hàng bán đồ chơi nhỏ lẻ đưa vào lưu thông rất nhiều, do vậy Thanh tra sẽ phối hợp với cơ quan Quản lý thị trường, Giáo dục đào tạo, Công an kinh tế.

-Xin cảm ơn ông!