Bản in
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng mũ bảo hiểm
Thông tư số 06/2013/TTLT (Thông tư 06) của liên bộ Bộ KH-CN, Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ GT-VT quy định về việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 15/5/2013. Nhằm quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng mũ bảo hiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý.

PV: Từ năm 2001 tới nay, Bộ KH&CN đã ban hành nhiều văn bản QPPL để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Theo ông nguyên nhân do đâu?

Ông Trần Văn Vinh: Để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, Bộ KH&CN đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008 và có hiệu lực từ ngày 15/11/2008. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, trên thị trường vẫn còn tồn tại các loại mũ kém chất lượng được nhập lậu không tuân thủ các quy định. Hầu hết những chiếc mũ này đều không được chứng nhận hợp quy nhưng có gắn dấu CR; các loại mũ có hình dáng giống mũ bảo hiểm nhưng bản chất không phải là mũ dành cho người đi mô tô, xe máy.

Trước khi Thông tư 06 ra đời, các loại mũ này được bày bán tràn lan nhưng cơ quan chức năng không thể xử lý được vì người bán có nhiều phương thức “lách luật” như gắn nhãn là mũ cho người đi bộ, mũ thể thao… Trong khi người mua sử dụng khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy chỉ để nhằm mục đích đối phó với lực lượng chức năng.

PV: Vậy ngay khi Thông tư 06 có hiệu lực, Tổng cục đã triển khai những nội dung gì để quản lý chất lượng mũ bảo hiểm thưa Ông?

Ông Trần Văn Vinh: Ngay từ năm 2008, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ KH&CN triển khai thực hiện quyết liệt các hoạt động quản lý chất lượng mũ, đồng thời đưa ra phương án xử lý các trường hợp mũ giả, hay còn được gọi là mũ bảo hiểm dành cho người đi bộ, mũ thời trang... Nhờ vậy, các loại mũ này đã giảm đáng kể trên thị trường.

Đồng thời, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ KH&CN nhằm cụ thể hóa Thông tư 06 thông qua việc gửi công điện tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng mũ đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm trên địa bàn quản lý; Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi gian lận, vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xử lý theo quy định của pháp luật; Thông báo công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương tên và địa chỉ các cơ sở sản xuất, các cửa hàng kinh doanh, các doanh nghiệp nhập khẩu mũ giả mạo.

PV: Có ý kiến cho rằng, Thông tư 06 vừa mới được ban hành, nhưng để xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm chưa thực sự rõ ràng. Quan điểm của Ông về về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Văn Vinh: Hiện nay chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đã khá đầy đủ theo quy định NĐ 54/2009/NĐ-CP; pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại… Trong Thông tư liên tịch 06 cũng đã quy định về vấn đề này tại khoản 1, Điều 10. Cụ thể, hướng dẫn xử lý đối với các hành vi vi phạm của người sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh như vi phạm về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy CR; vi phạm về nhãn hàng hóa; vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm về việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mũ có hình dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm...

PV: Vậy ông có cho rằng các chế tài xử phạt vẫn chưa đủ độ “rắn” đối với người sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn?

Ông Trần Văn Vinh: Theo tôi cần tách biệt nội dung này thành 2 vấn đề. Một là, chế tài xử phạt có đủ độ “rắn” đối với người sản xuất không? Tôi cho rằng hiện nay chế tài xử lý người sản xuất mũ bảo hiểm không hợp quy đã đầy đủ và rất cụ thể. Ví dụ nếu phát hiện doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm không phù hợp quy chuẩn thì sẽ tiến hành xử phạt, yêu cầu truy tìm nguồn gốc, thu hồi tiêu hủy, chưa kể đến hiện nay một loạt các nghị định xử phạt đang được sửa đổi với mức phạt đều được nâng lên.

Bên cạnh đó, công an các xã phường cũng tham gia vào việc thanh kiểm tra những cơ sở sản xuất nào hiện nay đang sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo... Đây là một trong những vấn đề mấu chốt nhằm giải quyết vấn nạn mũ giả mạo hiện nay.

Hai là, ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức bảo vệ bản thân của từng cá nhân, đối với những trường hợp, cần xử lý nghiêm theo pháp luật. Không phải việc gì cũng đặt ra vấn đề xử phạt là giải quyết được. Đây là vấn đề về nhận thức, người dân chưa biết được đâu là mũ giả, mũ thật thì vai trò của truyền thông hay các cơ quan quản lý cần có các chương trình tuyên truyền mạnh mẽ để người dân có thể phân biệt được.

PV: Ông có ý kiến, đề xuất gì để việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng trong thời gian tới?

Ông Trần Văn Vinh: Thông tư 06 cũng đã nêu khá đầy đủ các biện pháp xử lý cũng như những công việc cần phải triển khai để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh, sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt hiệu quả

Để làm tốt việc này, tôi nghĩ các cơ quan chức năng như: Bộ Công thương, Bộ KH&CN, Bộ Giao thông- Vận tải, UBND các tỉnh, Bộ Công an, công an phường, xã… cần triển khai quyết liệt các nhiệm vụ. Khi phát hiện các trường hợp sai phạm cần dứt khoát xử lý nghiêm, có như vậy thì người tiêu dùng mới được sử dụng những chiếc mũ bảo hiểm chất lượng để bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông.

- Xin cám ơn Ông!