|
|||
Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, hệ thống quản lý chất lượng đã phát huy tác dụng như một bộ công cụ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai hệ thống đã nảy sinh một số vấn đề cần khắc phục, nhằm đem lại hiệu quả hơn nữa cho công tác triển khai áp dụng hệ thống tại khu vực hành chính công. Công cụ hỗ trợ đắc lực cho cải cách hành chính Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính đến ngày 10/4 đã có 3.654 cơ quan hành chính nhà nước thuộc 63 tỉnh thành phố và 16 bộ, ngành đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và được cấp Giấy chứng nhận. Trong đó có Bộ NN và PTNT và Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định. Các đơn vị cơ bản đã hình thành hệ thống văn bản QPPL triển khai thực hiện Quyết định 144/2006/QĐ-TTg và 118/2009/QĐ-TTg đầy đủ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, đáp ứng yêu cầu tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý chất lượng trong cơ quan hành chính nhà nước. Điển hình như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai áp dụng hệ thống vào các đơn vị trực thuộc từ năm 2007. Đến nay, việc áp dụng đã có những tác động tích cực đối với công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính. Hoạt động quản lý tài liệu, hồ sơ được thực hiện một cách nền nếp, quy củ. Công tác bảo mật các tài liệu quan trọng được chú trọng, cơ chế mượn trả hồ sơ được thiết lập rõ ràng... Ngoài ra, việc thực hiện hệ thống quản lý chất lượng còn góp phần giảm và ngăn chặn được nhiều sai sót trong công việc nhờ tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Còn tại tỉnh Khánh Hòa, theo đánh giá của Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Kỳ Hạnh, tỉnh đã thành công trong việc áp dụng ISO trên nền công nghệ thông tin, kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 với hệ thống tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa”, lấy ý kiến công dân bằng công nghệ thông tin được triển khai tại Sở LĐ, TB và XH, Sở Thông tin - Truyền thông, UBND TP Nha Trang. Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng có hiệu quả kinh phí xây dựng hệ thống như kết hợp chứng nhận mở rộng với tái chứng nhận trước thời hạn cho các đơn vị của tỉnh. Đánh giá về hệ thống quản lý chất lượng trong cơ quan hành chính nhà nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho rằng, chủ trương áp dụng hệ thống vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là cần thiết, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu hội nhập nền kinh tế thế giới của nước ta; đồng thời hỗ trợ đắc lực cho chương trình cải cách hành chính của Chính phủ. Chưa chú trọng việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng Đánh giá việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan hành chính nhà nước trong thời gian qua, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Trần Văn Vinh cho rằng: hoạt động triển khai hệ thống trong các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Ví dụ một số bộ, ngành trung ương và một số địa phương chưa triển khai xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng cũng như công bố mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, vẫn còn một vướng mắc cơ bản đó là cơ chế tài chính và phân bổ tài chính cho các hoạt động áp dụng hệ thống trong các cơ quan hành chính nhà nước còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với từng ngành, từng đơn vị. Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Khánh Hòa Huỳnh Kỳ Hạnh cho hay, kinh phí tư vấn tại cấp xã chỉ bằng 85% tại cơ quan chuyên môn cấp huyện. Điều này là chưa hợp lý, bởi bộ thủ tục hành chính được tiếp nhận tại UBND cấp xã là 130 thủ tục; trong khi đó một hệ thống độc lập như cấp phòng tại UBND huyện tiếp nhận và giải quyết gần 60 thủ tục hành chính. Còn tại một số địa phương, lãnh đạo cũng ít quan tâm đến hệ thống, không tham gia đào tạo, không nắm bắt được yêu cầu của hệ thống nên chỉ đạo triển khai không sát, chưa quyết liệt. Bản thân các cán bộ công chức trong cơ quan chưa thực sự xem việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng là nhiệm vụ... Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xem xét, đưa ra phương án sửa đổi hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có nhiệm vụ chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tại bộ, địa phương. Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm về tính hiệu lực, hiệu quả của chính cơ quan mình trong công tác triển khai áp dụng hệ thống. Đồng thời, các địa phương cũng đưa tiêu chí kết quả thực hiện hệ thống này vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm. Đây sẽ là giải pháp giúp giảm bớt kinh phí tư vấn, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình triển khai áp dụng ISO. |