|
|||
Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Diện - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – thành viên Hội đồng GTCLQG trước thềm giải thưởng được tổ chức tại Hà Nội. Thưa ông, nhiều năm tổ chức giải nhưng vẫn có những tập đoàn, tổng công ty chưa được tôn vinh, xem xét trao GTCLQG, theo ông chúng ta nên khắc phục điều đó như thế nào?
Thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp lớn, các tổng công ty đã tham gia và đạt giải; tập đoàn thì chưa có, nhưng các doanh nghiệp trong tập đoàn thì cũng có nhiều. Cần lưu ý rằng, GTCLQG hướng vào xem xét chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn, không phân biệt loại hình doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ăn có hiệu quả chắc chắn được đánh giá cao hơn doanh nghiệp có doanh thu lớn, số người đông mà làm ăn kém hiệu quả. Thực tế có những doanh nghiệp lớn nhưng làm ăn kém hiệu quả, thậm chí làm ăn thua lỗ, tức là doanh nghiệp lớn mà “cơ thể” lại yếu, chưa chắc đã qua được các tiêu chí của giải thưởng. Chúng tôi rất mong muốn và hoan nghênh các tập đoàn, tổng công ty lớn nào hoạt động hiệu quả tham gia. Những năm qua, các doanh nghiệp dự giải chủ yếu từ các hội đồng ở các địa phương đưa lên. Còn không ít các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành quản lý chưa tham gia tích cực. Nhiều doanh nghiệp rất xứng đáng để được tôn vinh, nhưng đến nay họ vẫn chưa tham gia. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị phương án để lôi cuốn các doanh nghiệp này tham gia vào GTCLQG. Các tiêu chí của giải thưởng rất chặt chẽ và khắt khe, tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp đạt giải cũng ít hơn. Vậy có cách nào để giảm nhẹ tiêu chí của giải để thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn không thưa ông? Điều kiện kinh tế khó khăn không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà có quy mô toàn cầu. Trong điều kiện khó khăn, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn vươn lên, có doanh thu lớn, lợi nhuận cao, biết tận dụng điều kiện khó khăn để vượt qua và phát triển. Các doanh nghiệp đó, nhân cơ hội như vậy và thông qua GTCLQG để xem xét mình, đánh giá lại mình, để rồi hoàn thiện mình, chắc hẳn sẽ mang lại lợi ích thiết thực. Theo tôi, chính những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, càng cần tham gia giải này để hoàn thiện mình. Tất nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, đình đốn và phá sản. Trong hoàn cảnh đó, họ không thể tham gia được vào GTCLQG là đương nhiên. Những doanh nghiệp đó, họ lo việc “cơm áo, gạo tiền”, lo trả lương, lo cái trước mắt…, chắc chắn việc tham gia Giải thưởng sẽ rất khó khăn đối với họ. Mục đích của GTCLQG là rõ ràng, nhất quán; đó không chỉ là sự tôn vinh, mà qua đó, giúp doanh nghiệp tự nhìn nhận, đánh giá lại mình để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn. Trước thực tế như vậy, việc giảm các yêu cầu trong tiêu chí của giải thưởng là không thể thực hiện được. Nhìn rộng ra, hoạt động của giải cũng không chỉ là quảng bá về doanh nghiệp đạt giải và giải thưởng. Giải thưởng cần được xem xét ở dưới góc độ hỗ trợ được gì cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước - Đó mới là mục đích cao cả của việc tổ chức giải và cần phải tiếp tục hướng tới điều đó.
Những tiêu chí của Giải thưởng được đánh giá bám sát trên thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy trong quá trình thẩm định, đánh giá doanh nghiệp tham gia giải thưởng, theo ông doanh nghiệp thường gặp phải những khó khăn gì trong vịêc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm?
Quá trình đánh giá, thẩm định các doanh nghiệp cho thấy có một số khó khăn doanh nghiệp thường hay gặp phải trong nỗ lực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, đó là: Tư duy về chất lượng của đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng kịp với yêu cầu ngày càng cao và sự biến đổi nhanh chóng của thị trường, yêu cầu về đổi mới công nghệ, tư duy quản lý, tiếp cận thị trường, thỏa mãn khách hàng và cả ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và xã hội; Công nghệ và thiết bị sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam tương đối lạc hậu với khá nhiều đơn vị còn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu và gây ô nhiễm. Do đó, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa ổn định, năng suất thấp so với khu vực và thế giới trừ một số sản phẩm có khả năng xuất khẩu và cạnh tranh thành công với hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng mà còn gây nguy cơ lớn tới môi trường. Hiện nay, chi phí cho việc xử lý, khắc phục môi trường đang là một sức ép lớn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp tuy có tay nghề khá tốt, tiếp thu nhanh, chịu khó, nhưng vẫn chưa có tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động chưa cao.
Trong khi đó việc đào tạo nghề, bao gồm cả tay nghề và ý thức lao động của các tổ chức dạy nghề còn thiếu và yếu. Do đó doanh nghiệp thường mất khá nhiều công sức, thời gian cho việc tuyển dụng và đào tạo lại người lao động, điều này rõ ràng cũng gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai chương trình Quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020. Hy vọng rằng chương trình này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn, hiệu quả hơn các công nghệ hiện đại, các phương pháp quản lý tiên tiến để áp dụng vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam. Có những điểm khác biệt gì của Giải thưởng năm 2012 so với các năm trước thưa ông? Năm 2012 là một năm cực kỳ khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói chung và với các doanh nghiệp nói riêng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai hoạt động GTCLQG ở cả cấp địa phương và trung ương. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng những khó khăn này cũng không làm giảm giá trị và uy tín, vị thế của Giải thưởng đối với cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. So với các năm trước, hoạt động GTCLQG năm 2012 có một sự thay đổi cơ bản. Đó là việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 07/2012/TT-BKHCN ngày 01 tháng 6 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về Giải thưởng chất lượng quốc gia. Các nội dung sửa đổi này bao gồm: tăng số lượng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia từ 12 giải lên 20 giải; không quy định số lượng tối đa Giải Vàng cho mỗi loại hình doanh nghiệp tham dự; không giới hạn số lượng Giải Vàng trong mỗi ngành nghề hoạt động thuộc một loại hình doanh nghiệp tham dự. Việc sửa đổi này là dựa trên yêu cầu thực tiễn triển khai hoạt động giải thưởng trong nhiều năm để lôi cuốn và tôn vinh nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp xứng đáng trao giải hằng năm. Vừa qua Văn phòng Chính phủ thông báo, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan soạn thảo Nghị định quy định GTCLQG nhằm thống nhất quản lý hoạt động tôn vinh, khen thưởng trong lĩnh vực chất lượng ở cấp quốc gia. Hy vọng Nghị định này sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi cơ bản cho hoạt động GTCLQG trong thời gian tới. Xin cảm ơn ông! |