|
|||
Ngày 23-8, chúng tôi bám theo chiếc xe biển số 76C-014.24 chuyên chở dầu tái cho bãi xăng dầu Trâu Điên. Nhìn bề ngoài là xe tải nhưng thực chất bên trong là xe chứa bồn loại 5.000 lít. Sau khi qua khu vực Q.12, chiếc xe tải chạy về phía H.Hóc Môn rồi phóng mất hút vào một khu rừng tràm thuộc ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, H.Củ Chi (TP.HCM, giáp ranh với Long An). Lò giữa rừng Con đường đất quanh co dẫn vào điểm nấu dầu lậu nằm sâu hút trong khu rừng tràm. Mặt trước của cơ sở này chỉ được che tạm bợ bằng dãy tôn gỉ sét, ba phía còn lại được rừng tràm bao bọc, hai ống sắt cao vút nhả khói đen nghi ngút. Mùi dầu nhớt nồng nặc bốc lên. Bên trong khu nấu dầu lậu có đến hai hệ thống máy chưng cất dầu. Một máy có công suất lớn được xây dựng như một lò gạch đang hoạt động. Hàng loạt ống dẫn nhớt từ các thùng phuy được đấu nối chi chít đến khu nấu nhớt. Hàng trăm thùng phuy khác nằm ngổn ngang, nhớt đen đổ tràn xuống toàn bộ khu vực nấu dầu và cả các kênh rạch gần đó. Gần 12 giờ trưa, sáu công nhân vẫn cặm cụi nấu dầu. Bên phải là hai nhà tôn dài. Đây là khu nấu và chưng cất nhớt. Ở giữa là hệ thống lò chưng cất và bên trái là một dãy nhà tôn dài dùng làm khu vực pha chế. Nhớt thải từ các thùng phuy được bơm vào các lò đốt, sau đó có một đường ống dẫn nhớt qua hệ thống chưng cất. Nhớt sau khi chưng cất sẽ cho ra loại dầu tái. Dầu tái được chuyển qua hệ thống làm lạnh trước khi chảy vào một thùng phuy sắt được chôn âm dưới mặt đất. Dầu tái sau khi chưng cất có màu xanh đen, đặc quánh. Loại dầu tái này được các thợ pha chế ở đây gọi là dầu tươi. Tuy nhiên, để nước dầu đẹp và có màu trong hơn thường phải trải qua công đoạn pha chế, xử lý hóa chất. Theo đó, dầu tái tươi sẽ được hút lên hàng chục thùng nhựa gần đó để pha trộn với hóa chất. Lúc này một công nhân ngoài 30 tuổi cho vận hành bốn trục quay để trộn đều hóa chất. Loại trục quay này được cắm sâu vào trong các thùng nhựa lớn chứa dầu. Thấy dầu còn đục ngầu, đặc quánh, một thợ pha chế xả bồn cho thêm vào một ít chất vàng đục. "Muốn dầu loại nào cũng có, khách muốn dầu đẹp có dầu đẹp, muốn dầu tươi có dầu tươi" - thợ pha chế này cho biết. Theo điều tra của chúng tôi, ông Hùng (nhà ở Gò Vấp, quê Quảng Ngãi) là chủ cơ sở nấu dầu tái này. Đây là cơ sở không có giấy phép. Hằng ngày ông Hùng cho nấu lậu dầu rồi vận chuyển bằng xe bồn (ngụy trang kiểu xe tải) đến các bãi xăng dầu để bán. Hiện cơ sở này cung cấp ra thị trường không dưới 5.000 lít dầu tái/ngày. Để vận hành hệ thống nấu dầu, ông Hùng thuê khoảng 10 công nhân làm việc. Ông Hùng là người chuyên tổ chức nấu nhớt từ nhiều năm nay để cung cấp cho các bãi pha chế xăng dầu. Ngoài ông Hùng còn có nhiều người thân quen cũng làm nghề này và sẵn sàng liên kết cung ứng dầu tái với số lượng lớn. Trước đây, ông Hùng từng mở cơ sở nấu nhớt tại H.Hóc Môn, Long An... Ông Hùng cho biết: "Làm nghề này ở đâu cũng chỉ được một thời gian, phải thường xuyên di chuyển địa điểm để tránh mắt công an, cán bộ quản lý môi trường". Lốp xe nấu thành dầu đỏ Ngày 24-8 chúng tôi tiếp cận lò nấu dầu đỏ từ lốp xe của ông Thanh, nằm trong một thung lũng hẻo lánh thuộc xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom, Đồng Nai. Điểm nấu dầu này cách quốc lộ 1A gần 2km, xung quanh là các lò nấu nilông phế liệu. Mùi khét lốp xe nồng nặc, phát tán trên một khu vực rộng. Tại khu vực nấu dầu, lốp xe và đế cao su chất cao từng đống. Cách đó khoảng 50m là hồ chứa carbon được thải ra trong quá trình nấu dầu. Loại lò của ông Thanh được nấu ở nhiệt độ 300OC, hơi bốc lên chiết xuất ra dầu, vòng kẽm trong lốp xe được lấy ra bán cho cơ sở thu mua sắt, phần cặn còn lại để khô đóng bao bán. Để có được một lít dầu đỏ (mà ông gọi là dầu FO-R), lò ông Thanh phải nấu gần 3,5kg nguyên liệu trong 8 tiếng. Dầu sau khi nấu chảy qua ống dẫn, đưa vào hệ thống làm mát rồi chảy vào bồn âm dưới đất, sau đó mới ra bồn chính. Lò này có 12 công nhân làm việc. Lò nấu dầu đỏ của ông Thanh hoạt động được gần một năm nay. Lò nấu dầu này hiện có hai bồn, mỗi tháng cung cấp khoảng 100 tấn dầu đỏ. 80% loại dầu đỏ này đã được một điểm pha chế xăng dầu ở Đồng Nai mua, còn lại cung cấp cho các mối lẻ bên ngoài. Ông Thanh chia sẻ: "Khu vực này trước đây có bốn lò nấu dầu hoạt động. Nấu dầu là phải xả khói đen và mùi hôi nên người dân phản ứng khiến ba lò xung quanh phải chuyển về Lâm Đồng, riêng lò của tôi vẫn hoạt động bình thường. Cách nấu dầu này là của mấy ông người Trung Quốc đem qua Việt Nam". Theo một thợ pha chế dầu, ngoài việc nấu dầu tái từ nhớt, dầu đỏ từ lốp xe, chủ các bãi xăng dầu còn có các chiêu nấu nhiều loại dầu khác. Sau khi mua nhớt tạp chất từ nhiều nguồn thải, các chủ lò có thể nấu thành nhớt mới để giao cho các bãi xe hoặc các cây xăng. Nhớt tạp chất được đổ vào thùng phuy sắt (loại 220 lít), nấu bằng củi hoặc bếp khè trong 12 tiếng, sau đó bỏ một loại hóa chất vào thì chúng tự phân thành hai phần: phần trên nổi lên thu được 140-150 lít nhớt sạch, phần tạp chất nặng hơn sẽ lắng xuống và được chuyển qua pha với dầu FO cùng một số hóa chất khác. Một kiểu nấu khác là dầu FO "zin" mua từ kho xăng dầu có thể nấu ra được dầu diesel. Dầu FO pha với một loại hóa chất nhập từ Trung Quốc, nấu 8-10 giờ ở nhiệt độ 240-250OC sẽ tách ra ba lớp dầu: lớp đầu tiên trong vắt có mùi thơm như xăng, lớp thứ hai là dầu diesel ngả vàng, lớp thứ ba là tạp chất màu đen. Hai lớp đầu sẽ bán với giá dầu diesel, lớp thứ ba sẽ tiếp tục pha với dầu FO để bán ra thị trường. Tuy nhiên, cần phải xem mặt dầu FO trước khi nấu, nếu lẫn nhiều tạp chất thì sử dụng lượng hóa chất nhiều hơn và nấu ở nhiệt độ 280OC. Trung bình cứ 12m3 dầu FO thì nấu được 8m3 dầu diesel.
(còn tiếp) |