Bản in
Đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện ISO hành chính công
Việc triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2008 đối với cơ quan hành chính nhà nước đã đi được nửa chặng đường, ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực trong việc áp dụng HTQLCL trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), mặc dù công tác này đã được triển khai tại các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương, đã đạt được các kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện và quyết tâm hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thưa ông, tính đến nay việc áp dụng TCVN ISO 9001:2008 đối với cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai như thế nào và kết quả của nó?

Ông Nguyễn Hoàng Linh: Qua hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg (QĐ 144) và 118/2009/QĐ-TTg  (QĐ 118) của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, áp dụng HTQLCL vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ đắc lực mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước. Tính đến ngày 31/3/2012, đã có 2.254 cơ quan hành chính nhà nước được cấp giấy chứng nhận HTQLCL. Trong đó, tại địa phương có 2.065 cơ quan hành chính nhà nước trong 63 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận; Tại Trung ương có 189 cơ quan thuộc 13 Bộ được cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, đã xây dựng, hình thành hệ thống VBQPPL triển khai thực hiện QĐ 144, QĐ 118 một cách đầy đủ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, ví dụ như các khó khăn trong quá trình dự trù kinh phí thực hiện.

Năm 2011, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức 5 hội nghị sơ kết tại các vùng miền địa phương để phổ biến mô hình khung và Thông tư số 159/2010/TT-BTC cho các địa phương và tổ chức riêng 1 Hội nghị sơ kết cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP và các tổ chức tư vấn, chứng nhận để trực tiếp lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành để xử lý. Đặc biệt là Tổng cục cũng đã chủ động trực tiếp, đôn đốc và làm việc với 10 Bộ, ngành về việc xây dựng và áp dụng HTQLCL

Những hạn chế, khó khăn mà các cơ quan thực hiện việc áp dụng TCVN ISO 9001:2008 được ghi nhận đến nay là gì, thưa ông?

Qua quá trình theo dõi và kiểm tra, xử lý trực tiếp đối với việc xây dựng và áp dụng HTQLCL trong các CQHCNN, tôi nhận thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế và khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng .

Thứ nhất,  một số lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự quan tâm, nhận thức chưa đúng đắn hoặc hiểu sai về cách thức áp dụng hệ thống, về tiêu chuẩn ISO 9001, dẫn đến việc áp dụng trở lên nặng nề, mang tính hình thức, chỉ áp dụng cho có, không mang lại hiệu quả.

Thứ hai, việc thay đổi nhận thức của cán bộ công chức khi áp dụng HTQLCL còn gặp rất nhiều khó khăn, các cán bộ công chức ngại theo cách thức làm việc mới, thích làm việc theo thói quen, nề nếp cũ. Bên cạnh đó, tư duy về việc giải quyết công việc một cách hệ thống theo ISO 9001 còn hạn chế, dẫn đến việc ngại thay đổi thói quen hoặc gò bó trong quá trình áp dụng, làm giảm hiệu quả của việc áp dụng ISO.

Trong khi đó, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quy định các bộ, ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương phải công bố mô hình khung HTQLCL trước ngày 31/12/2010 nhưng đến nay theo tổng hợp của Bộ KH&CN, còn khá nhiều các bộ, ngành  chưa công bố mô hình khung cho các cơ quan ngành dọc. Việc chậm công bố mô hình khung làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy định tại Quyết định 118 của các cơ quan này. Mặt khác, việc này góp phần gia tăng áp lực xây dựng và áp dụng HTQLCL trong các cơ quan hành chính nhà nước khi phải hoàn thành theo đúng thời hạn quy định.

Vậy đâu là mấu chốt của những hạn chế, khó khăn đó?

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt và Tổng cục TCĐLCL cũng đã đôn đốc, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhưng vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nêu trên. Theo tôi có hai vấn đề mấu chốt của những hạn chế, khó khăn đó là ý thức quyết tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước và nhận thức của lãnh đạo cơ quan và ý thức của cán bộ, công chức trong cơ quan.

Tình trạng “áp dụng cho có” hiện vẫn còn đang tồn tại tại một số cơ quan, theo ông để không còn tình trạng này thì phải làm như thế nào để việc áp dụng HTQLCL có hiệu quả thực chất?

Nhận định trên là có cơ sở. Qua quá trình kiểm tra, giám sát vừa qua, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp như vậy. Tuy không phải là số đông nhưng hiện tượng này cần phải được chấn chỉnh một cách quyết liệt. Theo tôi, cần được thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan hành chính trực thuộc trên địa bàn xây dựng, áp dụng HTQLCL tuân thủ theo các quy định hiện hành, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này; kiên quyết xử lý các cơ quan hành chính có vi phạm để làm gương cho các cơ quan khác.

Thứ hai, các đơn vị chủ trì của các bộ, ngành; sở KHCN, chi cục TCĐLCL tại địa phương cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng, áp dụng tại các CQHCNN thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, đánh giá của các tổ chức tư vấn, chứng nhận; kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên và Tổng cục TCĐLCL về các vi phạm để phối hợp xử lý. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nhận thức về việc xây dựng và áp dụng HTQLCL theo ISO 9001 cho Lãnh đạo, cán bộ, công chức trong CQHCNN. Đặc biệt là phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục TCĐLCL trong quá trình triển khai thực hiện.

Về phía Tổng cục TCĐLCL, chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng, áp dụng tại các CQHCNN; quyết liệt xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ quan vi phạm  hoặc kiến nghị, phối hợp với cơ quan cấp trên trực tiếp của CQHCNN để xử lý. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, đánh giá của các tổ chức tư vấn, chứng nhận; xử lý vi phạm để nâng cao chất lượng của hoạt động này.

Để thúc đẩy công tác này, hiện Tổng cục TCĐLCL đã có những định hướng gì trong thời gian tới?

Ngoài việc nghiên cứu, xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản QPPL để tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 144 và Quyết định 118, Tổng cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại bộ, ngành, địa phương; các tổ chức tư vấn, chứng nhận; Nghiên cứu, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đẩy mạnh hoạt động trực tiếp tuyên truyền tại các hội nghị về triển khai QĐ 144 và QĐ 118 và tại các bộ, ngành. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để công tác này đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Thủy (Thực hiện)