|
|||
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục TCĐLCL, Trần Văn Vinh cho biết: Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 , tuy còn một số tồn tại cần khăc phục nhưng cũng đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việc áp dụng hệ thống quản lý đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ đắc lực mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước. Tính đến hết ngày 31/3/2012, đã có 2.254 cơ quan hành chính nhà nước được cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL), trong đó tại Trung ương có 189 cơ quan thuộc 13 Bộ được cấp Giấy chứng nhận, tại địa phương có 2.065 cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố mô hình khung HTQLCL cho các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương từ năm 2010. Tại Trung ương, 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Tại địa phương, 35/63 tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai áp dụng. Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc áp dụng HTQLCL trong hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả. HTQLCL còn giúp đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở… Bên cạnh đó các cơ quan, đơn vị đã có ý thức hơn trong việc tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên làm căn cứ thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công để tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng HTQLCL hiện vẫn còn một số tồn tại như: 12 Bộ, ngành Trung ương và 28/63 tỉnh/ thành phố chưa xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai và dự trù kinh phí áp dụng cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Các Bộ ngành có hệ thống cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương nhưng chưa công bố mô hình khung cho đơn vị của mình như Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Vì vậy, các đại biểu dự Hội nghị nhất trí, để tiếp tục áp dụng hiệu quả HTQLCL, trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương và các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, phân loại các thủ tục hành chính và xây dựng mô hình khung cho từng cơ quan ngành dọc. Thêm vào đó, các đơn vị cần nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng và áp dụng HTQLCL tại cơ quan hành chính nhà nước đặc biệt là hoạt động tư vấn, đánh giá nhằm đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Mai Mai |